Ngày 25.1, cả hai hợp đồng dầu thô đều giảm nhẹ so với phiên kết thúc cuối tuần qua. Cụ thể, dầu thô ngọt nhẹ WTI hợp đồng giao tháng 3 giao dịch mức 52,2 USD/thùng; dầu Brent hợp đồng giao tháng 3 cũng mất vài cent, giao dịch mức 55,3 USD/thùng.
Theo Reuters, toàn cầu đã ghi nhận gần 100 triệu ca nhiễm Covid-19 với hơn 2,1 triệu người chết vì dịch. Mỹ - vùng dịch lớn nhất thế giới cũng gia tăng số ca nhiễm lẫn tử vong, trung bình mỗi ngày ca nhiễm mới vượt trên 100.000 người. Dẫn lời quan chức Nhà Trắng, hãng tin này cho rằng, tân Tổng thống Mỹ Joe Biden dự kiến sẽ khôi phục lại tình trạng hạn chế nhập cảnh đối với công dân Mỹ đến từ các quốc gia đang có số ca nhiễm mới tăng như Brazil, Anh, nhiều nước châu Âu, Ireland…
Với tình hình này, các dự báo về giá dầu khó lạc quan. Trên MarketWatch, nhiều dự báo cho thấy, giá dầu tiếp tục biến động khó lường khi dịch bệnh gia tăng ngay trong tháng đầu năm, đẩy nhu cầu sử dụng nhiên liệu tiếp tục giảm sút. Theo báo cáo của Cơ quan thông tin năng lượng Mỹ, dự trữ dầu thô của Mỹ tăng mạnh lên 4,35 triệu thùng trong tuần trước, trong khi kỳ vọng của thị trường là 1,17 triệu thùng. Trong khi đó, cuối tuần qua, Iran - quốc gia đang bị lệnh cấm vận lại cho biết xuất khẩu dầu thô tăng kỷ lục trong năm qua. Iran có kế hoạch nâng công suất lên 4,5 triệu thùng dầu/ngày vào năm 2021 và tăng xuất khẩu dầu mỏ lên 2,3 triệu thùng/ngày.
Ở trong nước, ngày 25.1, theo bảng giá bán lẻ xăng dầu của Petrolimex, xăng E5 RON92 mức cao nhất 15.948 đồng/lít; xăng RON95 16.930 đồng/lít; dầu diesel 12.647 đồng/lít; dầu hỏa 11.558 đồng/lít; dầu mazut 12.272 đồng/kg.
Bình luận (0)