Giảm giá, không lo 'chững' điện mặt trời áp mái

04/01/2020 09:53 GMT+7

Theo dự thảo Quyết định của Thủ tướng về cơ chế khuyến khích phát triển điện mặt trời áp dụng sau ngày 30.6.2019, thời điểm Quyết định 11/2017 hết hiệu lực, điện mặt trời áp mái sẽ không còn giá ưu đãi.

Cụ thể, mỗi kWh điện mặt trời áp mái trong bản dự thảo mới nhất giảm về 8,38 US cent/kWh (tương đương 1.940 đồng), thấp hơn 0,97 cent so với cơ chế áp dụng theo Quyết định 11 trước đây là 9,35 cent/kWh (tương đương 2.165 đồng). Mức giá này sẽ áp dụng trong 20 năm cho dự án điện vận hành trong giai đoạn 1.7.2019 - 31.12.2020. Giá chưa gồm thuế VAT và được điều chỉnh theo biến động tỷ giá VND/USD.
Tính đến cuối tháng 11.2019, mới có 318 MW điện mặt trời áp mái được vận hành, tập trung chủ yếu khu vực phía nam. Trong các góp ý trước đó, Tập đoàn điện lực (EVN) cũng đã đề nghị tiếp tục giữ mức giá 9,35 cent/kWh đến năm 2021, nhằm khuyến khích loại hình năng lượng này phát triển. Tuy nhiên, theo quan điểm Bộ Công thương, việc giảm giá điện mặt trời áp mái so với trước cũng nhằm mục đích giảm sức ép tăng giá điện bán lẻ.
Trong bối cảnh nhiều ý kiến từ các tổ chức đề xuất giảm điện than, thậm chí ngưng hoàn toàn các dự án điện than mới, việc không còn giá ưu đãi dẫn tới lo ngại chững điện mặt trời áp mái, không đủ tiềm lực phát triển để thay thế điện than như kỳ vọng. Tuy nhiên, TS Nguyễn Duy Khiêm (Trường đại học Quy Nhơn) - người tham gia lắp đặt nhiều dự án điện mặt trời lớn - khẳng định từ 8 cent/kWh trở lên, đầu tư điện mặt trời chắc chắn có lãi. Theo ông Khiêm, chi phí đầu tư thiết bị đầu vào của hệ thống điện mặt trời đang giảm dần. Một bộ inverter giá hiện nay trên thị trường đã giảm gần 10 triệu đồng so với chỉ cách đây 3 tháng và các công ty lắp đặt vẫn đang chào giá giảm xuống đối với tất cả các thiết bị. Đồng thời, khoa học công nghệ ngày càng phát triển, cùng diện tích một tấm pin, cách đây 3 - 4 tháng sản xuất được 350 W thì nay có thể cho ra tới 450 W.
Đồng tình, TS Tô Vân Trường, chuyên gia tài nguyên nước và môi trường, phân tích: Giá bán điện mặt trời theo đề xuất của Bộ Công thương (trùng với giá trong dự thảo quyết định của Thủ tướng) chỉ cao hơn giá bán lẻ điện sinh hoạt ở bậc 1, bậc 2 và thấp hơn từ bậc 3 - bậc 6. Hiện tại, giá thiết bị PV Modules & Solar Inverters đã giảm khá nhiều so với giá tại thời điểm năm 2017. Xu hướng hiện nay của người dân đa phần đầu tư điện mặt trời áp mái để tự sử dụng chính, còn dư thì bán lên lưới của điện lực. Giá 8,38 US cent/kWh vẫn đảm bảo khuyến khích phát triển điện mặt trời áp mái trong thời gian tới và không làm ảnh hưởng đến cơ hội giảm điện than, nếu được Thủ tướng phê duyệt.
Bên cạnh đó, về tổng thể, điện mặt trời đang nảy sinh vấn đề khi phát triển nóng mà hạ tầng truyền tải điện chưa theo kịp để đáp ứng. Nhiều nhà máy điện mặt trời không được phép phát điện đủ công suất do lưới điện không đáp ứng được và họ đứng trước nguy cơ phá sản.
“Điện mặt trời áp mái với giá rẻ như chính sách của Bộ Công thương cần hiểu phụ thuộc vùng miền và thời tiết, do điện mặt trời áp mái không thể có hiệu suất cao như điện mặt trời ở nơi trống trải có thể thay đổi góc quay để hướng tới ánh nắng mặt trời, đồng thời dễ tổ chức làm sạch bề mặt tiếp nhận ánh sáng mặt trời. Điện mặt trời áp mái của VN trong điều kiện bụi mù trời đồng thời vị trí khó làm sạch thì sự tích tụ bụi lên bề mặt hấp thu năng lượng mặt trời sẽ làm hiệu suất giảm đáng kể. Thời gian thu hồi vốn dài là một cản trở lớn. Do đó, giá điện cũng không cần tiếp tục ưu đãi mà nên dần trở về bình đẳng”, ông Trường đề xuất.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.