Ngày 6.11, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT) cho biết, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam tháng 10 ước đạt 1,15 tỉ USD, đưa giá trị xuất khẩu mặt hàng này 10 tháng năm nay đạt 9,64 tỉ USD, tăng 12,4% so với cùng kỳ năm 2019.
Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là thị trường nhập khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam trong 9 tháng năm 2020, khi chiếm 77,7% tổng giá trị xuất khẩu.
Trong 9 tháng năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đã tăng mạnh thêm tại một số thị trường tiềm năng như Canada (tăng 18,2 triệu USD, tương đương tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước); Thái Lan tăng 6,7 triệu USD (tương đương tăng 23,8% so với cùng kỳ năm trước).
Thị trường có giá trị xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ giảm mạnh là Anh (giảm gần 75 triệu USD, tương đương giảm 31,7% so với cùng kỳ năm trước); thị trường Nhật Bản giảm 21,3 triệu USD (tương đương giảm 2,3% so với cùng kỳ năm trước); thị trường Pháp giảm 13,1 triệu USD (tương đương giảm 14,5% so với cùng kỳ năm trước).
Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản cho rằng, nhìn lại trong 4 tháng qua, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ nằm trong số mặt hàng duy trì kim ngạch xuất khẩu ấn tượng, bất chấp ảnh hưởng, tác động từ đại dịch Covid-19. Giá trị xuất khẩu liên tục tăng qua các tháng và trong 4 tháng liên tiếp, giá trị xuất khẩu mỗi tháng luôn đạt trên 1 tỉ USD.
Theo đánh giá của Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản, thị trường nội địa các nước nhập khẩu gia tăng nhu cầu về các sản phẩm gỗ dù trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19. Tỷ lệ người làm việc ở nhà tăng dẫn đến nhu cầu về đồ nội thất, dụng cụ văn phòng tăng lên. Ngoài ra, thị trường nhà ở, xây dựng vẫn phát triển bất chấp tình hình dịch bệnh.
Dự báo trong những tháng cuối năm, Cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản nhận định, gỗ và sản phẩm từ gỗ của Việt Nam xuất khẩu tiếp tục có những cơ hội để giữ vững đà tăng trưởng.
Khi thị trường nhà ở, căn hộ vẫn tiếp tục phát triển; chỉ số tâm lý người tiêu dùng đạt mức cao nhất tính từ tháng 3 đến nay. Bên cạnh đó, nhu cầu nhập khẩu đồ gỗ nội thất, ngoại thất, tủ bếp tiếp tục tăng cao trong những tháng cuối năm.
Bình luận (0)