Gỡ vướng cho 63 dự án nhà ở

Đình Sơn
Đình Sơn
31/03/2020 06:29 GMT+7

Ngay sau cuộc gặp gỡ giữa lãnh đạo UBND TP.HCM với các doanh nghiệp bất động sản, thành phố mới đây đã có những động thái tháo gỡ khó khăn cho nhiều dự án.

Đất xen cài dưới 1.000 m2 giao cho doanh nghiệp

Theo một lãnh đạo Sở Xây dựng TP.HCM, ngay sau cuộc gặp tháo gỡ vướng mắc khó khăn cho doanh nghiệp (DN), lãnh đạo UBND TP đã chỉ đạo Sở Xây dựng TP đưa ra các giải pháp tháo gỡ khó khăn về thủ tục hành chính.
Chính vì vậy, Sở đã đưa ra 8 nhóm vấn đề để tháo gỡ khó khăn, trong đó trọng tâm là cách hiểu và vận dụng quy định quyền sử dụng đất ở hợp pháp khi thực hiện thủ tục công nhận chủ đầu tư dự án nhà ở. Vị này cho biết từ tháng 12.2015 đến nay, UBND TP đã chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư 63 dự án nhà ở thương mại có nguồn gốc đất do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng. Tất cả dự án này đều được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt.
Tuy nhiên, các dự án này đang bị đứng hình vì “dính” đất ở hợp pháp. Do đó, để DN bất động sản (BĐS) có cơ sở hoàn tất các thủ tục đầu tư và triển khai dự án nói trên, Sở Xây dựng kiến nghị Thủ tướng phương án: “Diện tích đất có nguồn gốc do đền bù đất nông nghiệp hoặc đất chuyên dùng, nếu đã được xác định là đất ở trong đồ án quy hoạch được duyệt hoặc đã có văn bản của cơ quan thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất để triển khai dự án nhà ở hoặc đã được ghi trong quyết định thu hồi đất khi giải phóng mặt bằng để thực hiện dự án nhà ở thì diện tích đất đó được coi là đất ở”.
Nếu phương án này được chấp thuận, với 45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực, 7 dự án còn hiệu lực, kiến nghị cho TP được thực hiện lại thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư, công nhận chủ đầu tư theo quy định của luật Nhà ở và Nghị định 99 của Chính phủ. 18 dự án còn lại, TP hướng dẫn DN tiếp tục thực hiện các thủ tục đầu tư dự án. Ngược lại, đối với 58 dự án (45 dự án có văn bản công nhận chủ đầu tư đã hết hiệu lực, 7 dự án còn hiệu lực chấp thuận chủ trương đầu tư nhưng chưa công nhận chủ đầu tư và 6 dự án đã chấp thuận đầu tư nhưng chưa ban hành quyết định thu hồi, giao đất, chuyển mục đích sử dụng đất) nhà đầu tư sẽ thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo quy định của luật Đầu tư. Còn 5 dự án, trường hợp yêu cầu chủ đầu tư thực hiện lại thủ tục quyết định chủ trương đầu tư theo luật Đầu tư và công nhận chủ đầu tư theo luật Nhà ở, phải hủy bỏ các quyết định thu hồi, giao đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất hoặc nhà nước phải hoàn trả lại nghĩa vụ tài chính mà chủ đầu tư đã thực hiện.
“Việc này sẽ phát sinh yêu cầu về bồi thường nhà nước hoặc khiếu nại của chủ đầu tư. Do đó, UBND TP kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép chủ đầu tư tiếp tục thực hiện hoàn tất các thủ tục đầu tư tiếp theo và triển khai thực hiện dự án theo quy định”, theo Sở Xây dựng.
Đối với những dự án có phần đất do nhà nước trực tiếp quản lý xen cài trong dự án nhà ở, sở kiến nghị tháo gỡ theo hướng giảm bớt thủ tục hành chính. Cụ thể, đối với quỹ đất có diện tích dưới 1.000 m2 nên giao cho chủ đầu tư dự án. Đối với quỹ đất có diện tích từ 1.000 m2 trở lên, kiến nghị cho thực hiện hoán đổi với chủ đầu tư để có quỹ đất với diện tích tương đương, tập trung ngay tại dự án để chủ đầu tư bàn giao lại cho nhà nước quản lý, sử dụng.

Chưa dự áo nào giải quyết trọn vẹn 

Lãnh đạo một công ty BĐS có dự án đang bị tạm dừng triển khai khi đang xây dựng đến phần móng, cho biết ngay sau cuộc gặp gỡ với DN, lãnh đạo TP mà cụ thể là ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP.HCM, đã họp với các sở ngành để tháo gỡ cho từng dự án với đặc thù khác nhau. Đây là động thái tích cực trong lúc cả hệ thống chính trị dồn lực chống dịch Covid-19.
“Thời gian qua quy trình thủ tục xác định giá đất, thẩm định giá đất, xác định tiền sử dụng đất trên thực tế mất nhiều thời gian. DN phải chờ đợi rất lâu mới nộp được tiền sử dụng đất, dẫn đến dự án nhà ở chậm được triển khai. Theo quy định, thời gian thực hiện các thủ tục mất khoảng 2 năm nhưng thực tế tại nhiều dự án phải mất từ 3 năm trở lên DN mới được công nhận là chủ đầu tư, được thẩm định thiết kế, cấp giấy phép xây dựng, cuối cùng mới bắt tay vào thi công xây dựng. Điều này khiến DN bị chôn vốn, làm giá nhà đất tăng cao và cuối cùng người mua phải gánh. Do vậy, nhà nước rút ngắn, tháo gỡ khó khăn được cho DN phần nào hay phần đó”, vị này cho hay.
Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) Lê Hoàng Châu cho hay tại cuộc gặp gỡ có 19 DN kiến nghị khó khăn tại 30 dự án. Ngoài ra 19 DN khác cũng có kiến nghị gửi UBND TP đều được TP lên lịch gặp gỡ riêng để gặp tháo gỡ khó khăn. Điển hình như 2 dự án nhà ở xã hội của Công ty Lê Thành, các DN như Sonkim Land, Tiến Phước, Vietcom Real, Lotte, Đại Quang Minh, Công ty BĐS Sài Gòn Vina...
“Những giải quyết này chưa có cái nào trọn vẹn, dứt điểm được vì mới chỉ từ tháng 2 đến nay vì TP hứa giải quyết trước ngày 30.4 sẽ xong. Tuy nhiên, đây là một tín hiệu tích cực và phải chờ đến kỳ hẹn mới biết được kết quả cuối cùng ra sao”, vị trên phát biểu.
Hiện các DN chỉ mong TP và các sở ngành đừng “đá” lòng vòng hoặc đưa ra ngoài T.Ư. Như dự án của Công ty Bình Dân đang vướng về đấu thầu đất công đưa ra ngoài Tổng cục Quản lý đất đai (Bộ Tài nguyên - Môi trường), nhưng ngoài Bộ trả lời đây thuộc trách nhiệm của TP. Không những vậy, khi đi họp giải quyết vướng mắc cho DN, các sở ngành cần cử người đi họp phải đúng thành phần, đúng người và có thể giải quyết được...
Ông Lê Hoàng Châu
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.