Nội dung trên vừa được Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép (Cục Hải quan Bà Rịa-Vũng Tàu) đăng trên thông báo số 994 của đơn vị này.
Theo danh sách đính kèm thông báo, số container này được nhập về trong khoảng thời gian từ tháng 11-12.2018, đã tồn đọng tại cảng quá 90 ngày. Gần 100% container này là giấy phế liệu và có xuất xứ nơi gửi chủ yếu đến từ Trung Quốc, Hồng Kông, kế đó là Mỹ, Canada… Đơn vị nhận là các doanh nghiệp sản xuất giấy ở Bình Dương như Công ty TNHH Giấy Vina Kraft, Công ty Cổ phần Giấy An Binh, Công ty TNHH Cheng Yang Paper Mill.
Các công ty này đều đã được cấp giấy xác nhận đủ điều kiện nhập phế liệu từ Bộ Tài nguyên và Môi trường, thời hạn đến năm 2020.
|
Thông báo của hải quan Cái Mép cũng nêu rõ, trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày thông báo, nếu không có người đến nhận thì Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Cái Mép sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Vụ Công nghiệp nhẹ (Bộ Công thương), hiện 70% sản lượng giấy của Việt Nam sản xuất từ nguyên liệu giấy phế liệu. Trong đó, gần 40% được thu gom từ trong nước, số còn lại phải nhập khẩu. Hiện nhu cầu nhập khẩu giấy phế liệu dùng làm sản xuất của cả nước khoảng 2 triệu tấn mỗi năm.
Cuối tháng 1 vừa qua (dịp cận Tết Nguyên đán), lượng phế liệu tồn tại các cảng của Bà Rịa-Vũng Tàu lên đến hàng ngàn container do quy định mới, phế liệu nhập về cảng, doanh nghiệp và hải quan phải chờ cán bộ các sở tài nguyên môi trường nơi có đặt nhà máy sản xuất của doanh nghiệp ra tận cảng để kiểm tra. Quy định mới này khiến một lô hàng phế liệu nhập về cảng chờ được thông quan mất cả tháng. Thế nên số hàng tồn quá 90 ngày tại cảng Cái Mép này, theo một số nhân viên tại cảng giải thích, có thể do thời gian để lưu bãi quá dài, doanh nghiệp “nản” không muốn đến nhận hàng nữa, vì chi phí kho bãi với khoảng thời gian hơn 3 tháng rất nhiều.
Bình luận (0)