Nguy cơ từ hơn 22,6 tấn phế liệu Trung Quốc
|
Khi lệnh cấm hoàn toàn của Trung Quốc chính thức áp dụng, phế liệu của các nước sẽ có nhu cầu tìm “bến đỗ” mới thay thế Trung Quốc. VN được coi là vùng trũng “tiềm năng” nhất để phế liệu chọn cập bến vì chưa có chính sách cụ thể trong việc siết nhập chất thải rắn.
Ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM, cho hay từ đầu năm đến nay, lượng phế liệu nhập khẩu của các đơn vị có nhu cầu nhập về sản xuất vẫn đều và được thông quan khi hội đủ các yêu cầu về giấy phép đủ điều kiện bảo vệ môi trường do Bộ TN-MT cấp, doanh nghiệp (DN) có ký quỹ đầy đủ…
“Nói chung công tác ngăn chặn từ xa của ngành hải quan về phế liệu nay khá ổn, không có tình trạng không đủ các giấy tờ mà cho cập cảng. Chỉ có lượng phế liệu tồn đọng hơn 3.000 container từ mấy năm trước đến nay vẫn chưa thể xử lý được do thiếu chỗ mở container và đặc biệt là chúng tôi đang chờ ý kiến chỉ đạo từ cơ quan chuyên môn về hướng xử lý. Việc giải phóng lượng phế liệu tồn tại cảng vẫn còn diễn ra rất chậm”, ông Nghiệp nói.
GS-TS Lê Huy Bá, Viện Khoa học công nghệ và quản lý môi trường, đánh giá nguy cơ VN bị biến thành vùng trũng chứa phế liệu, phế thải của thế giới là điều đã được cảnh báo từ hơn một năm trước, không phải đến bây giờ mới được đề cập. Tuy nhiên, tin đáng buồn là phế liệu nhựa năm 2018 của VN nhập tăng hơn 200% so với năm trước, trong khi cùng thời điểm thì hai nơi tiêu thụ phế liệu nhựa lớn nhất thế giới là Trung Quốc và Hồng Kông lại giảm đến 90%.
“Chúng ta nói nhiều về giải pháp, nhưng trọng tâm của vấn đề quản lý phế liệu vẫn còn quá lúng túng, trong đó trách nhiệm của Bộ TN-MT là lớn nhất”, GS-TS Lê Huy Bá nói.
Công nghệ tái chế chỉ là “nghiền nghiền, dập dập và bó lại”
“Để hơn 20.000 container phế liệu tồn đọng tại cảng không người nhận, không tái xuất được, không tiêu hủy được, hàng trăm DN nhập phế liệu chỉ để bán… mà sau khi kiểm tra chỉ phạt vi phạm hành chính có 16 DN là điều khó tin. Trong quản lý phế liệu nhập, không thể dân chủ được bởi đó là rác thải độc hại. Phải xử phạt thật nặng các đơn vị cố tình tha rác vào VN, không thể nhẹ nhàng phạt hành chính mà thôi”, GS Lê Huy Bá phản ứng gay gắt trước thông tin Bộ TN-MT đã thanh tra 72 DN nhập khẩu phế liệu, trong đó tạm đình chỉ giấy phép nhập 3 DN và phạt hành chính 16 DN.
Đồng quan điểm, PGS-TS Phạm Thế Hiện, chuyên gia môi trường, cho rằng lẽ ra khi vấn đề phế liệu ùn ứ nóng sốt như vậy, cơ quan quản lý chuyên ngành phải ngay lập tức có ngay giải pháp, đệ trình lên Chính phủ các lộ trình từ giảm đến cấm nhập phế liệu. Phải có kế hoạch ngay chứ không phải bây giờ loay hoay chuyện xây dựng quy chuẩn này nọ. Rồi ban hành thông tư về quy chuẩn phế liệu nhập dùng làm nguyên liệu sản xuất, sau khi có ý kiến của Thủ tướng, lại ban hành tiếp thông tư cắt bỏ các quy định.
Một trong những đề xuất mà các chuyên gia đều đưa ra là VN cần tận dụng tối đa lượng chất thải rắn có sẵn trong nước, trước khi cho nhập một cách dễ dãi. Ông Hiện nói Trung Quốc cho ngưng nhập những chất thải rắn mà trong nước có thể khai thác được. Năm tới, kế hoạch của họ vẫn có thể cho nhập những chất thải rắn chất lượng cao và được coi như là hàng hóa thông thường để sản xuất. Để làm được điều này, họ buộc các DN sản xuất có nhu cầu sử dụng phế liệu giấy, sắt, nhựa phải có giải pháp tái thu mua và tái chế nguồn phế liệu từ trong nước.
Về công nghệ tái chế của VN, GS Lê Huy Bá đánh giá vẫn quá thủ công và còn yếu kém. Chỉ là công việc “nghiền nghiền, dập dập” rồi bó lại như kiểu làm của mấy vựa thu mua ve chai.
“Sắt vụn mua về mà chỉ lấy máy dập dập bó bó lại rất thủ công, công việc tái chế vậy rất nguy hiểm, nảy sinh nhiều bệnh tật bởi kim loại chứa nhiều chất độc hại. Thứ nữa, việc tái chế vậy chưa thể tận dụng hết nguồn tài nguyên trong nước”, ông nói.
Bình luận (0)