Trong thư, Thủ tướng nêu rõ, đây là biện pháp thiết thực để hạn chế sử dụng và thải rác nilon ra môi trường. “Nhân dịp này, tôi kêu gọi các hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, các siêu thị, nhà hàng, khách sạn chung tay cùng Chính phủ và toàn xã hội nỗ lực giảm thiểu việc sử dụng túi nilon, rác thải nhựa bằng những hành động thiết thực, hiệu quả" - Thủ tướng nhấn mạnh.
Ngoài ra, Thủ tướng cũng đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ ngành liên quan, các địa phương chủ động thực hiện các giải pháp, khuyến khích sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường, giảm dần việc sản xuất và sử dụng túi nilon khó phân hủy, góp phần xây dựng môi trường sống trong lành, phát triển bền vững.
Phong trào dùng lá chuối bọc rau, hành lá… được một số siêu thị trong hệ thống BigC, Saigon Co.op và CoopMart triển khai trong tuần qua và được nhiều người tiêu dùng bày tỏ sự ủng hộ, thích thú và mong muốn các siêu thị duy trì “hành động xanh” này lâu dài. Đại diện hệ thống siêu thị CoopMart và BigC cũng cho hay sẽ nhân rộng mô hình gói lá chuối này hơn trong tương lai gần.
Những bó rau được bọc lá chuối thân thiện với người tiêu dùng hơn Ng.Ng
Phong trào dùng lá chuối bọc thực phẩm bắt nguồn từ siêu thị Rimping ở Chiang Mai, miền bắc Thái Lan. Đây là cách được tạp chí Forbes từng đánh giá thân thiện môi trường nhất và giảm thiểu tối đa sử dụng túi nilon dùng một lần gây ô nhiễm môi trường. Đánh giá việc làm này, đại diện BigC Việt Nam cho rằng, việc áp dụng thí điểm bao gói thực phẩm bằng lá chuối và song song áp dụng túi Lohas (túi sử dụng nhiều lần) của hệ thống BigC, siêu thị này mong muốn góp phần nâng cao nhận thức của người dân trong bảo vệ môi trường.
Trước đó, một số siêu thị lớn của hệ thống BigC tại Hà Nội đã phục vụ khách hàng bằng túi đựng thực phẩm làm từ bột ngô (một loại túi vi sinh phân hủy hoàn toàn). Đại diện CoopMart cũng cho biết sẽ nhân rộng mô hình dùng lá chuối bọc các loại rau trên toàn hệ thống siêu thị.
Hàn Quốc phạt 61 triệu đồng nếu siêu thị dùng túi nilon đựng hàng cho khách
Theo các chuyên gia về môi trường, chỉ mất 1 giây để vứt đi 1 túi nilon nhưng lại mất từ 500 - 1.000 năm để túi đó phân hủy trong điều kiện không có ánh nắng mặt trời. Hiện đa số các siêu thị đều sử dụng túi tự hủy để đựng đồ cho khách mua hàng, tuy nhiên, màng bọc thực phẩm, rau lá, hành, thịt cá nói chung vẫn còn dùng túi nilon sử dụng một lần.
Tại Hàn Quốc, từ ngày 1.4 vừa qua, Bộ Môi trường Hàn Quốc cũng chính thức cấm sử dụng túi nilon tại các siêu thị trên toàn quốc. Cụ thể, có khoảng 2.000 siêu thị lớn và hơn 11.000 siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng bán thực phẩm nhỏ bị cấm dùng túi nilon một lần đựng thực phẩm bán cho khách hàng. Nếu vi phạm, các cửa hàng, siêu thị này sẽ bị phạt đến 3 triệu won (tương đương 2.600 USD, khoảng 61 triệu đồng). Tất nhiên, quy định cũng ghi rõ ngoại trừ với một số thực phẩm dễ bị chảy nước như cá, thịt, kem, đồ đông lạnh, sử dụng túi nilon đựng thực phẩm có thể được.
Việc hạn chế sử dụng túi nilon (túi nhựa) là điều cần thiết Ng.Ng
Thực tế, lệnh cấm trên đã có hiệu lực tại xứ sở kim chi từ đầu năm nay, trên cơ sở luật sửa đổi về bảo tồn tài nguyên. Tuy nhiên, Bộ Môi trường Hàn Quốc đã cho gia hạn thêm 3 tháng để các siêu thị, cửa hàng, trung tâm thương mại và cả người tiêu dùng làm quen, thay đổi từ từ trước khi cấm hẳn.
Song song với lệnh cấm này, các siêu thị được khuyến cáo nên cung cấp cho khách hàng các lựa chọn khác như: túi vải, túi giấy có thể được tái sử dụng hoặc tái chế. Ngoài việc cấm dùng túi nilon sử dụng một lần tại siêu thị, Bộ Môi trường nước này cũng tiến đến từ hạn chế đến cấm sử dụng ống hút nhựa trong kinh doanh bán hàng đồ uống, cấm sử dụng túi nilon tại các tiệm giặt là…
Tổng số túi nilon được sử dụng tại Hàn Quốc ước tính lên tới 21,1 tỉ chiếc trong năm 2015, trong đó, các cửa hàng tiện ích và siêu thị chiếm khoảng 25%. Với lệnh cấm này, Hàn Quốc ước sẽ giảm được số túi nilon được sử dụng hằng năm lên đến 2,224 tỉ chiếc. Ngoài Hàn Quốc, trên thế giới, đến nay có khá nhiều quốc gia đã có lệnh cấm sử dụng túi nilon một lần và đã có một số biện pháp phạt nặng như ở Kenya, nếu vi phạm, người bán dùng túi nilon đựng hàng cho khách có thể bị phạt đến 39.000 USD (khoảng 900 triệu đồng) hoặc bị ở tù 4 năm. Các siêu thị tại Anh, Pháp, Hà Lan, Úc… từ lâu cũng đã áp lệnh không dùng túi nilon sử dụng một lần.
Việc các siêu thị tại Việt Nam chuyển đổi dùng túi nilon tự tiêu, dùng lá gói rau quả là một trong những bước quan trọng tiến đến giảm và ngừng dùng túi nilon sử dụng một lần tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi. Tuy nhiên, do Việt Nam vẫn còn tồn tại các chợ truyền thống với số lượng lớn trên cả nước, nên việc cấm sử dụng túi nilon là điều còn rất khó khăn. Song những giải pháp nhằm hạn chế để thay đổi dần một thói quen gây hại cho môi trường là điều hết sức cần thiết trong bối cảnh thế giới đang chuyển hướng sử dụng những bao đựng thực phẩm thân thiện với môi trường. Trung Quốc cuối năm 2017 đã cấm nhập 24 phế liệu nhựa cũng nằm trong chiến lược hạn chế tối đa việc lạm dụng sử dụng túi nilon đựng một lần của quốc gia đông dân nhất thế giới này.
Bình luận (0)