Dù đó là lãnh đạo đã điều hành công ty du lịch phát triển hàng chục, thậm chí vài chục năm..., nhưng nếu không có bằng cao đẳng chuyên ngành lữ hành hoặc chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế hoặc nội địa đều phải đi học.
Chưa kịp áp dụng đã báo ngưng
|
Đây là một trong những điều kiện kinh doanh đối với các doanh nghiệp (DN) lữ hành VN đươc nêu rõ tại Thông tư 06 quy định chi tiết một số điều của luật Du lịch 2017. Theo đó, từ ngày 1.1.2019, người phụ trách kinh doanh các công ty lữ hành nội địa, quốc tế như chủ tịch HĐQT, tổng giám đốc, giám đốc... phải có bằng cao đẳng chuyên ngành lữ hành. Trong trường hợp không có bằng cao đẳng chuyên ngành lữ hành trở lên, thì phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch quốc tế hoặc nội địa. Các công ty không đáp ứng đủ điều kiện bằng cấp này sẽ không được phép tiếp tục hoạt động.
Ngay từ khi mới “ra đời”, điều kiện kinh doanh lạ lùng này đã vấp phải sự phản ứng mạnh mẽ từ các DN. Rất nhiều giám đốc, tổng giám đốc, chủ tịch HĐQT... các công ty du lịch lớn tuy đã làm công tác điều hành quản lý vài chục năm, kể cả có bằng đại học nhưng không đúng chuyên ngành lữ hành, du lịch cũng phải cắp sách tới trường học lại từ đầu. Quy định không giống ai nhưng để đủ điều kiện kinh doanh, rất nhiều lãnh đạo các công ty đã bỏ thời gian, tiền bạc để nhận chứng chỉ. Và rồi chứng chỉ chưa kịp nhận, Tổng cục Du lịch lại thông báo tạm ngưng. “Số phận” của quy định này thế nào, có tiếp tục được áp dụng hay không đến nay cũng chưa rõ.
Bở hơi tai chạy theo chính sách
tin liên quan
Nhật bắt đầu thu mỗi khách gần 10 USD 'thuế chia tay'Hay như điều kiện hành nghề đối với hướng dẫn viên, theo luật Du lịch 2017 mới, hướng dẫn viên đã có thẻ hướng dẫn viên du lịch nhưng cũng không được phép hành nghề nếu không có hợp đồng với DN cung cấp dịch vụ hướng dẫn du lịch, không trở thành hướng dẫn viên cơ hữu (có hợp đồng lao động) của 1 DN lữ hành hoặc trở thành thành viên của Hội Hướng dẫn viên du lịch. Quy định này trong phút chốc đã đẩy hàng ngàn hướng dẫn viên tự do đứng trước nguy cơ thất nghiệp.
Ông Từ Quý Thành, Giám đốc Công ty du lịch Liên Bang, cho biết nhiều năm qua, DN hoạt động trong ngành du lịch luôn trong tình trạng hồi hộp chạy theo chính sách. Nhiều quy định mới vô lý khiến nhiều DN lâu năm, làm ăn uy tín nhưng bỗng chốc có thể trở thành vi phạm. Về hoạt động kinh doanh, các chính sách về visa luôn theo kiểu rình mò, đến sát nút mới thông báo khiến DN chịu không ít thiệt hại, miễn visa 1 năm nhưng chỉ được hưởng lợi 6 tháng. “Muốn DN Việt vươn ra thế giới nhưng vừa bước chân tới cửa đã vấp đủ thứ thì làm sao lớn nổi”, ông Thành nói thẳng.
Đồng tình, giám đốc một DN tại TP.HCM đánh giá cách quản lý ngành du lịch hiện nay đang bị mất cân bằng vì “cái cần quản không quản, cái không cần lại “siết” quá chặt”. Đơn cử, thị trường du lịch đang xuất hiện ngày càng nhiều các công ty làm ăn chộp giựt, lừa đảo, quỵt tiền khách hàng, nhưng quy định về xử phạt lại còn rất nhiều lỗ hổng, tạo điều kiện cho tour “dỏm” ngày càng bùng phát. “Nếu không nhanh chóng thật sự thay đổi tư duy quản lý, có những chính sách ưu tiên hỗ trợ, du lịch VN chắc chắn không thể phát triển lớn mạnh”, vị này cảnh báo.
Bình luận (0)