Hỗ trợ Vietnam Airlines ra sao?

22/06/2021 15:01 GMT+7

Làn sóng dịch Covid-19 lần 3 và lần 4 nối nhau từ đầu năm 2021 khiến thị trường hàng không trong nước chìm sâu vào khủng hoảng.

Giữa năm 2020, Chính phủ đã đề xuất và được Quốc hội thông qua nghị quyết về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho Vietnam Airlines do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19. Gói hỗ trợ của Chính phủ với tư cách chủ sở hữu 86% vốn nhà nước tại Vietnam Airlines dù muộn hơn so với các hãng hàng không quốc tế, nhưng thực tế đã cho thấy, đây là bàn tay chìa ra kịp thời để giúp Hãng hàng không Quốc qua “sống sót” vượt qua đại dịch và phục hồi trở lại.

Tiết kiệm gần 16.000 tỉ đồng

Năm 2020, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, Vietnam Airlines đã xoay sở nhiều cách để “sống” được từ giảm lương, dùng máy bay đi chở hàng, đàm phán giãn nợ… qua đó, giảm chi phí được 8.618 tỉ đồng. Trong đó giải pháp tự thân là 5.129 tỉ đồng gồm giảm chi phí thuê máy bay và bảo dưỡng máy bay (trên 1.480 tỉ đồng); tổ chức lại lao động, điều chỉnh chích sách tiền, giảm trên 1.770 tỉ đồng, giải pháp điều chỉnh định mức chi phí và tiết giảm chi phí quản lý trên 1.860 tỉ đồng.
Ngoài ra, nhờ triển khai chính sách hỗ trợ chung cho ngành hàng không theo Nghị quyết 84/NQ-CP, VNA đã giảm được 343 tỉ đồng, trong đó giảm chi phí cất hạ cánh và điều hành bay nội địa, giảm thuế môi trường, miễn phí bảo lãnh phát sinh năm 2020 với các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh. Đặc biệt, Vietnam Airlines đã chủ động đề xuất và được Chính phủ cho phép điều chỉnh khấu hao máy bay phù hợp với công suất sử dụng trong giai đoạn ảnh hưởng của COVID-19, làm giảm trên 3.140 tỉ đồng.
Đầu tháng 6.2021, Vietnam Airlines vừa mời đấu giá 11 chiếc máy bay thân hẹp A321ceo, một phần trong kế hoạch làm mới đội bay cũng như cải thiện dòng tiền của hãng.
Năm 2021, dù vẫn chìm trong khó khăn, song Vietnam Airlines tiếp tục đặt mục tiêu tiết kiệm khoảng 9.450 tỉ đồng. Trong đó giải pháp tự thân 6.066 tỉ đồng gồm: giảm chi phí và sửa chữa bảo dưỡng máy bay (gần 5.300 tỉ đồng), tổ chức lại lao động và tổ chức lại sản xuất như giảm 4 đầu mối Ban/đơn vị ở cấp Tổng công ty và khoảng 70 đầu mối cấp phòng ở các cơ quan, đơn vị, qua đó tiết giảm được trên 800 tỷ đồng.

Đòn bẩy tài chính để phục hồi

Đại diện Vietnam Airlines cho biết cuối năm 2020, gói giải pháp hỗ trợ 12.000 tỉ đồng đã được Quốc hội thông qua để bù đắp thanh khoản và tăng vốn chủ sở hữu cho Vietnam Airlines. Đến nay, gói hỗ trợ cho vay tái cấp vốn (4.000 tỉ đồng) đã hoàn tất toàn bộ các hành lang pháp lý cần thiết và dự kiến có thể giải ngân vào đầu tháng 7.2021 cùng điều kiện hãng này vẫn phải tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp tự thân và đàm phán đạt kết quả với các nhà cung ứng để ứng phó với đại dịch Covid-19. Phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu (8.000 tỉ đồng) đang được triển khai các bước cần thiết theo quy định.
Đáng chú ý, mới đây, Chính phủ cũng đã có cuộc họp với Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và Vietnam Airlines để giải quyết nhanh, dứt điểm các khó khăn liên quan đến hỗ trợ Vietnam Airlines.
Theo Hiệp hội vận tải hàng không quốc tế (IATA), năm 2021 tiếp tục là một năm đầy thách thức với hàng không, và thị trường hàng không VN cũng không ngoại lệ. Chính phủ VN cần có những chính sách ngắn hạn và dài hạn đối với ngành hàng không để thúc đẩy kinh tế và phát triển toàn diện.
Năm 2021, Chính phủ nhiều nước trên thế giới đã phải nỗ lực “tiếp máu” lần 2, lần 3 để hỗ trợ ngành hàng không phục hồi. Cụ thể, tổng thống Mỹ Joe Biden đã thông qua gói cứu trợ lần thứ 3 trị giá 14 tỉ USD để hỗ trợ các hãng hàng không. Tại Singapore, ngoài việc cam kết hỗ trợ 13,5 tỉ USD cho Singapore Airlines hồi đầu năm 2020, vừa tăng vốn thông qua phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, vừa phát hành trái phiếu có khả năng chuyển đổi và các khoản vay bắc cầu, tháng 3 vừa qua chính phủ nước này cũng đã công bố thêm gói cứu trợ 655 triệu USD để hỗ trợ hàng không nước nhà vượt qua khủng hoảng.
Theo các chuyên gia, bên cạnh tiếp tục chính sách giảm thuế phí, “liều thuốc trợ lực” phù hợp từ phía Chính phủ như các gói cho vay lãi suất ưu đãi là điều kiện quan trọng nhất thời điểm này, để giúp VNA cũng như thị trường hàng không Việt Nam cầm cự và nhanh chóng bứt phá sau đại dịch.
Với vai trò hãng hàng không quốc gia, sự trợ lực bằng các biện pháp hỗ trợ tài chính quy mô lớn từ Chính phủ sẽ giúp VNA tránh được nguy cơ phá sản do mất thanh khoản dòng tiền trong ngắn hạn. Với lịch sự phát triển lâu dài, VNA có quy mô đủ lớn để cạnh tranh với các hãng hàng không quốc tế khác sau khi dịch bệnh được kiểm soát, mở cửa bầu trời trở lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.