IDI tự tin vượt ‘bão’

30/03/2018 07:30 GMT+7

Trước thông tin Mỹ đã công bố mức thuế áp chống bán phá giá cao chưa từng có với cá tra, cá basa của VN từ 2,39 - 7,74 USD/kg... đã khiến các doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu VN đứng ngồi không yên.

Không nằm trong số đó, Công ty CP Đầu tư và Phát triển đa quốc gia (IDI) - thành viên của Tập đoàn Sao Mai, đã thành công khi doanh thu năm 2017 đạt 5.330 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế 350 tỉ đồng, thống lĩnh vị trí TOP đầu trong số 20 doanh nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu lớn nhất Việt Nam.
Thống lĩnh hàng đầu
Không chỉ có kết quả kinh doanh khởi sắc mà kết thúc năm 2017, giá cổ phiếu IDI còn nằm trong top 10 cổ phiếu tăng giá mạnh nhất với mức tăng gần 212%. Tiếp đà thành công, năm 2018, IDI phấn đấu cán mốc doanh thu 6.000 tỉ đồng và lợi nhuận khoảng 500 tỉ đồng. Điều này hoàn toàn có cơ sở khi giá cá tra đã có sự khởi sắc khá tốt khiến rất nhiều hộ nuôi cá phấn khởi. Theo nhận định của Hiệp hội cá tra Việt Nam, thời gian tới đây giá cá tra xuất khẩu sẽ được giữ ở mức tốt.
Hơn 10 năm qua, IDI đã rất thành công với mô hình hộ nuôi liên kết, mỗi năm đảm bảo cung cấp hơn 80% cá nguyên liệu cho 2 nhà máy của công ty hoạt động liên tục. Tiếp nối hình thức vệ tinh này, cuối năm 2017, IDI đã ký kết hợp tác với các hộ ương cá tra giống để sắp xếp lại trật tự, ổn định đầu vào là cá bột, khắc phục tình trạng khủng hoảng thừa - thiếu nguồn cá tra nguyên liệu. Điều quan trọng là IDI đã tạo bước đột phá cải thiện chất lượng và tiến tới chủ động con giống thả nuôi theo kế hoạch dài hạn, nâng cao chất lượng sản phẩm xuất khẩu. Khi nắm giữ 2 đầu vào là nguồn cá giống và cá nguyên liệu thì cũng đồng nghĩa IDI nghiễm nhiên có khả năng chi phối, mở rộng thị trường và tăng trưởng xuất khẩu.
Nhà máy chế biến thủy sản 3 của IDI đang được xây dựng
Nhà máy chế biến thủy sản 3 của IDI đang được xây dựng Nguyên Ngọc
Chiến lược dịch chuyển cán cân thị trường
“Trong kinh doanh không để trứng vào một giỏ”, nguyên tắc này đã được Ban lãnh đạo IDI áp dụng ngay từ đầu khi đưa công ty vào hoạt động. Bài học kinh nghiệm từ sự thất bại của các doanh nghiệp đi trước đã cho thấy rất rõ những rủi ro khi quá phụ thuộc vào một thị trường. Phân tán thị trường không chỉ tăng doanh thu mà còn tạo ra những lợi thế vững vàng. IDI đã có hẳn một “kịch bản chuẩn” nên khi tham gia vào thị trường xuất khẩu thủy sản thì những “rào cản” không phải là điều quá to tát.
Nhìn lại kết quả xuất khẩu của toàn ngành cá tra trong năm 2017 cho thấy, bất chấp thị trường có nhiều điểm không thuận lợi (thuế chống bán phá giá tăng cao, đạo luật Farm Bill tại thị trường Mỹ, truyền thông bôi nhọ ở Liên minh châu Âu) nhưng xuất khẩu cá tra vẫn đạt kim ngạch gần 1,8 tỉ USD, tăng 4,3% so với năm trước. Trong đó, IDI với vai trò thành viên của Hiệp hội cá tra Việt Nam đã đóng góp khá quan trọng để tạo nên những kết quả của ngành. Chiếm tỷ lệ đến 23%, Trung Quốc và Hồng Kông đã vươn lên đứng đầu có phần áp đảo hơn thị trường Mỹ (19,3%) và EU 11,4%. Rõ ràng, cơ cấu tỷ trọng của thị trường xuất khẩu thay đổi theo hướng giảm ở EU, Mỹ và tăng ở thị trường mới như Trung Quốc và Hồng Kông.
Với vai trò Phó chủ tịch Hiệp hội cá tra Việt Nam, ông Lê Thanh Thuấn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sao Mai khẳng định: “Thúc đẩy cạnh tranh và tái cấu trúc ngành hàng cá tra theo hướng cải thiện chất lượng con giống. Xây dựng hình ảnh và thương hiệu cá tra Việt Nam phải có chiến lược thị trường phải linh hoạt và chủ động. Không ngừng xúc tiến thị trường trong nước và liên tục mở rộng các thị trường tiềm năng khác sẽ quyết định vận mệnh của doanh nghiệp”.
IDI hiện có 2 nhà máy chế biến thủy sản xuất khẩu, đạt các tiêu chuẩn quốc tế FSSC, đạt chất lượng: HACCP, ISO 9001: 2008, ISO 17025, BRC, IFS, HALAL, GLOBAL G.A.P… Sắp tới, IDI sẽ đưa vào vận hành nhà máy số 3 với trang thiết bị rất hiện đại hoàn toàn nhập khẩu từ châu Âu, nâng tổng công suất lên 900 tấn/ngày; đáp ứng nhu cầu tiêu thụ thủy sản cho các thị trường lớn trên thế giới.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.