Kênh Suez sắp được giải cứu, doanh nghiệp vẫn phập phồng

Nguyên Nga
Nguyên Nga
30/03/2021 06:25 GMT+7

.

Ngày 29.3, trao đổi với Thanh Niên, một số doanh nghiệp logistics trong và ngoài nước tại TP.HCM cho biết, mặc dù có thông tin tàu Ever Given chắn ngang kênh đào Suez được “giải cứu”, song một số hãng tàu đã có thông báo chuyển cung đường đi trước đó, giá cước tàu vận chuyển cũng đã được thông báo sẽ tăng.

Phí vận tải biển sẽ tăng gấp đôi, gấp ba

Cụ thể, Hãng tàu Maersk (Đan Mạch) thông báo chuyển hướng 15 chuyến, Mediterranean Shipping (MSC - Thụy Sĩ) chuyển 11 chuyến. Thay vì chờ đến khi kênh đào Suez hết ùn tắc do tàu mắc cạn, loạt hãng tàu lớn đã chuyển hướng đi vòng qua mũi Hảo Vọng (châu Phi). “Các hãng tàu lo lắng hàng hóa đến nơi trễ nên quyết định chuyển hướng để bảo đảm tiến độ giao hàng cho khách hàng đi châu Âu. Tuy nhiên, khi đã chuyển rồi cũng sẽ chậm mất gần chục ngày. Song song đó, giá cước dự kiến tăng từ 150 - 200%”, bà Nguyễn T. Anh, đại diện công ty logistics cho hay và bổ sung, theo tính toán, cho dù tàu Ever Given được giải cứu thì mất cả tuần để các tàu bị kẹt mới qua hết kênh đào.
Trên Bloomberg, một số nhà phân tích cũng tính toán, quyết định đổi hướng tàu vòng qua mũi Hảo Vọng sẽ khiến chi phí tăng mạnh. Riêng khoản chi phí nhiên liệu của tàu biển có thể tăng thêm 300.000 USD, chưa kể các khoản khác như tiền phạt giao hàng trễ.
Hiện tại, nhiều đại lý làm thủ tục hải quan xuất khẩu hàng hóa từ TP.HCM thông tin, đa số các hãng tàu chở hàng đi châu Âu, Mỹ đều tạm hoãn, nhận booking (đăng ký - NV), nhưng giá và ngày có tàu thì chưa có. “Tình cảnh hiện tại y chang thời điểm trước Tết Nguyên đán khi thị trường khan hiếm container rỗng để xuất hàng đi. Tại thời điểm đó, các hãng tàu vẫn nhận booking nhưng không báo giá, khi nào có container mới báo giá và ngày đi. Cước phí thuê container có lúc cao gấp 5 - 7 lần đi từ cảng TP.HCM đến cảng ở Rotterdam (Hà Lan), từ 1.900 USD lên 10.000 USD”, ông Nguyễn Văn Thắng, đại diện đại lý hải quan tại cảng Cát Lái (TP.HCM) thông tin và bổ sung, các hãng tàu chưa có thông báo chính thức về giá cước và thời gian hoãn bao lâu, nhưng nhìn vào thực tế cho thấy, thời gian để các tàu “thoát” khỏi kênh đào này phải mất gần nửa tháng.
Đại diện Công ty Sea Air Global nhấn mạnh, trước mắt, nếu thời gian mở lại tuyến đường thủy bị ngưng trệ, các tàu chỉ còn hai lựa chọn: hoặc chờ ở ngay cửa kênh đào Suez đến lúc nào được khơi thông thì đi tiếp, cách thứ 2 là đi thêm hàng ngàn ki lô mét nữa vòng qua Nam Phi. Nếu chọn cách thứ 2, việc vận chuyển hàng sẽ chậm từ 7 - 9 ngày nữa, chi phí vận chuyển sẽ tăng tối thiểu gấp 2, gấp 3 lần. “Không chỉ có mỗi chiếc siêu tàu Ever Given, mà có ít nhất 200 hãng tàu đang bị kẹt tại đây với số lượng hơn 350 tàu. Chậm 1 - 2 ngày thì không sao, nhưng hàng hóa đi chậm 7 - 9 ngày là vấn đề cực lớn. Việc chậm trễ càng kéo dài thì tình hình trở nên tồi tệ hơn vì hiệu suất sử dụng tàu và container giảm sút mạnh trong bối cảnh xuất khẩu đang bị thiếu hụt container trầm trọng”, chuyên gia logistics Nguyễn Lý Trường An phân tích.

Hàng đi Mỹ cũng căng thẳng

Cước vận tải biển là “nỗi đau” của không ít nhà xuất khẩu trong nhiều tháng qua. Tình trạng thiếu container bùng phát từ năm ngoái, đẩy giá cước vận tải tăng khiến không ít doanh nghiệp (DN) xuất khẩu các mặt hàng chủ lực kêu than. Mới đây, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cũng cho hay, một số DN xuất khẩu thủy sản đi Mỹ phản ánh các chuyến hàng đi Mỹ đang gặp căng thẳng. Lý do, chỗ trống cho hàng đông lạnh đi Mỹ của hầu hết các hãng tàu đều rất ít vì các hãng ưu tiên cho hàng khô có giá tốt hơn. Ngay hãng tàu lớn thứ 2 thế giới là MSC cũng cho biết từ đầu tháng 4 này sẽ cắt toàn bộ hàng đông lạnh đi Mỹ. Các hãng tàu khác không cho đặt chỗ trước, hoặc cho đặt thì không báo giá ngay, khi nào có tàu mới báo giá. Thậm chí đã đăng ký với hãng tàu rồi, vì lý do nào đó chưa xuất đúng ngày, sẽ bị mất thêm 1.500 USD/container nữa. VASEP dẫn câu nói của một DN xuất khẩu cá tra tại Cần Thơ cho hay “DN thủy sản nay như cá nằm trên thớt”.
Ngoài DN xuất khẩu thủy sản, liên tục trong thời gian qua, DN xuất khẩu các mặt hàng nông sản như gạo, chè, cà phê... đều than rất khó có container để xuất hàng. Năm qua, giá cước phí vận tải nói chung tăng gấp 5 - 7 lần, từ 800 USD/container lên 5.000 USD/container do ảnh hưởng từ dịch Covid-19. Tương tự, giá thuê container cũng tăng chóng mặt do khan hiếm, từ dưới 2.000 USD lên 10.000 USD tại một số thời điểm hàng đi châu Âu. Thực tế, chi phí vận tải biển tăng mạnh từ đầu năm đến nay. Trên một số diễn đàn logistics thế giới, một nhà cung ứng sản phẩm chăm sóc da cho biết mức phí cho một container hàng trả cho hãng tàu chở từ Malaysia đến cảng Felixstowe của Anh từ 2.100 USD vào tháng 11.2020 lên 14.000 USD vào tháng 1.2021.
Chuyên gia Nguyễn Lý Trường An cho rằng, các container rỗng vốn khan hiếm ở Trung Quốc, việc chúng bị ùn ứ tại kênh Suez sẽ làm căng thẳng thêm hàng tồn kho. Việt Nam sẽ không ngoại lệ, do xuất nhập khẩu của Việt Nam và châu Âu qua tuyến hàng hải này chiếm phần quan trọng.
Theo Bộ Công thương, năm 2020, Việt Nam xuất khẩu sang châu Âu với kim ngạch 43,7 tỉ USD và nhập khẩu từ thị trường này 18,5 tỉ USD. Riêng 2 tháng đầu năm nay, cả kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng tốt, một phần lớn nhờ hiệu quả từ các hiệp định thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết và có hiệu lực trong năm qua với Liên minh Châu Âu (UVFTA) và với Anh (UKVFTA). Cụ thể, hết 2 tháng, xuất khẩu sang EU đạt 7,5 tỉ USD (tăng 18% so cùng kỳ), nhập khẩu đạt 3,1 tỉ USD (tăng 12% so cùng kỳ).
Lãnh đạo Bộ Công thương cũng đã có chỉ đạo Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập theo dõi sát tiến độ giải phóng tàu Ever Given để thông tin kịp thời đến các DN xuất nhập khẩu.
Kênh đào Suez dài 190 km, rộng 205 m và sâu 24 m, đi vào hoạt động từ năm 1869, là một trong những tuyến hàng hải sầm uất bậc nhất thế giới. Ước tính khoảng 12% thương mại toàn cầu được vận chuyển qua kênh đào này. Năm 2020, có gần 19.000 lượt tàu thuyền đã đi qua kênh đào Suez với tổng trọng tải khoảng 1,17 tỉ tấn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.