Không để doanh nghiệp thiếu vốn

20/10/2017 07:40 GMT+7

Nghịch lý ngân hàng thừa vốn nhưng doanh nghiệp không tiếp cận được một lần nữa được đưa ra tại hội thảo “Nâng cao hiệu quả kết nối ngân hàng - doanh nghiệp” do Phòng Thương mại - Công nghiệp VN phối hợp NHNN tổ chức vào ngày 19.10.

Ngân hàng săn khách hàng
Ông Trần Du Lịch, Phó chủ tịch Trung tâm trọng tài quốc tế VN, cho biết chương trình kết nối ngân hàng (NH) - doanh nghiệp (DN) được triển khai vào tháng 7.2012 tại TP.HCM trong bối cảnh nợ xấu “như cục máu đông”, không bơm cho cơ thể. Những DN vướng vào nợ, chỉ có tiền mới hoạt động được nhưng NH thì cũng ngại. Nhưng bây giờ bối cảnh đã khác, hiện nay nhiều NH đi săn tìm DN uy tín cho vay với lãi suất thấp nhưng nhiều DN còn làm cao. Ngược lại, cũng không ít DN kêu khó tiếp cận vốn, lãi suất cao, do đó không đầu tư trung - dài hạn.
Xác nhận chuyện này, ông Trần Việt Anh - Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty XNK Nam Thái Sơn, chia sẻ: Nếu như nhiều năm trước, giữa NH và DN có khoảng cách, không tạo được mối quan hệ với nhau, DN khó tiếp cận vốn NH. Thậm chí ngay thời điểm tổ chức triển khai chương trình kết nối NH - DN, nhiều DN vẫn hoài nghi. Nhưng đến nay mọi cái hoàn toàn khác. Điển hình tại một cuộc họp với chủ đề tương tự, trong phòng họp có 50 người thì hết 26 người thuộc các tổ chức tín dụng. Điều này cho thấy NH muốn tiếp xúc với DN. DN được tiếp cận nhiều hơn về thông tin tài chính, công nghệ và dịch vụ mới. Tuy nhiên, ông Trần Việt Anh cũng đề nghị đối với những khoản nợ xấu mà khách hàng đã trả thì không lưu tên trên hệ thống để họ có thể tiếp cận được vốn vay NH. "Lãi vay ngắn hạn tiền đồng 6,5%/năm, ngoại tệ 3,5%/năm là mức DN chấp nhận được", ông Việt Anh nói.
Ông Nguyễn Phước Hưng, Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp hội DN TP.HCM, cho rằng chương trình kết nối NH - DN đã đem lại kết quả tốt, hiệu quả, được đánh giá cao, tích cực. Qua khảo sát sơ bộ, nhiều DN nhận được lãi suất ưu đãi, tiếp sức vượt qua khó khăn, bổ sung vốn ngay tại thời điểm cần. Thành công của chương trình là thay đổi mối quan hệ, từ chỗ DN tìm NH thì nay NH đã đi tìm DN và hai bên đã tìm lẫn nhau. Tuy nhiên một số DN, nhất là DN vừa và nhỏ chưa tiếp cận được vốn do chưa có tài sản đảm bảo, tài sản hình thành trong tương lai… Chính vì vậy cần có những giải pháp để tháo nút thắt này.
Không thiếu vốn
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu phát biểu: “80% nền kinh tế dựa vào vốn vay NH. 80% thu nhập NH dựa vào cho vay DN, cá nhân. Chính vì vậy sự cộng sinh, kết nối NH - DN là sự sống còn của nền kinh tế. Nhưng để hai bên gặp nhau, DN cần có phương án kinh doanh khả thi, sức khỏe tài chính và tài sản thế chấp. Lãi suất cho vay của các NH VN cũng tương ứng lãi suất cho vay của một số nước. Tôi đánh giá cao nỗ lực chính sách tiền tệ thời gian qua, ổn định tỷ giá, tiền đề cho DN tiếp cận vốn”.
Là địa phương đầu tiên triển khai chương trình kết nối NH - DN, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NHNN chi nhánh TP.HCM, cho biết sau 5 năm triển khai, các NH trên địa bàn đã cho 120.000 DN vay 680.000 tỉ đồng nhưng đến nay không phát sinh nợ xấu. Tăng trưởng tín dụng trên địa bàn tính từ đầu năm đến nay khoảng 14%, từ nay đến cuối năm còn dư địa 100.000 tỉ đồng cho vay. Các NH hiện nay không thiếu tiền cho vay cũng như không phân biệt thành phần kinh tế để cho vay.
Theo ông Trần Văn Tần, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (NHNN), chương trình kết nối NH - DN được khởi xướng tại TP.HCM và nhanh chóng lan tỏa trên toàn quốc, đã có hiệu quả tích cực, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Riêng trong 9 tháng đầu năm 2017 đã có trên 300 cuộc gặp gỡ đối thoại giữa NH và DN. Các NH cam kết cho vay gần 570.000 tỉ đồng và đã giải ngân 550.000 tỉ đồng cho khách hàng. Hệ thống các NH cũng đưa ra 70 chương trình, sản phẩm tín dụng hỗ trợ DN, trong đó có 15 chương trình áp dụng cho DN nhỏ và vừa.
Ngoài chương trình kết nối NH - DN, theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, trước đây DN sợ nhất là thông tin không rõ ràng, đột ngột khiến họ không kịp trở tay. Để DN yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh, việc điều hành hoạt động chính sách tiền tệ của NHNN hiện nay công khai, không giấu giếm, luôn có thông điệp cụ thể cho thị trường. Theo đó, NHNN vẫn tiếp tục duy trì ổn định giá trị đồng tiền. Liên quan đến tỷ lệ tăng trưởng gây tranh cãi trong thời gian qua, theo ông Tú, tăng trưởng tín dụng hiện là 12%, theo kế hoạch đến cuối năm đạt 18%. Vừa rồi Chính phủ chỉ đạo tăng lên 21% nhưng GDP đang tăng tốt nên tín dụng sẽ đi theo hướng không để thị trường thiếu vốn. Một yếu tố khác là dự trữ ngoại hối của VN hiện đang ở mức cao nhất từ trước đến nay (45 tỉ USD), nên NHNN hoàn toàn chủ động can thiệp khi thị trường biến động. "Do đó DN yên tâm hoạt động sản xuất kinh doanh, không phải lo về vấn đề thiếu vốn, ngoại tệ", ông Tú khẳng định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.