Không tiền nào có thể ‘đốt’ được be

11/10/2019 08:00 GMT+7

Khẳng định không đốt tiền để giành thị trường, ông Trần Thanh Hải, Tổng giám đốc Be Group tự tin “be” sẽ đi nhanh, đi xa nhờ chất lượng, sự chân thành và tinh thần dân tộc.

Ra đời trong bối cảnh hàng loạt ứng dụng gọi xe công nghệ teo tóp, biến mất chỉ sau một thời gian ngắn "chào sân", không mấy người tin một doanh nghiệp Việt có thể tồn tại chứ đừng nói đến chuyện trở thành đối trọng với những thương hiệu lớn trong làng xe công nghệ thế giới đang thống lĩnh thị trường nội địa. Thế nhưng, chỉ 9 tháng ra mắt, "đội quân ong vàng” nhanh chóng phủ khắp mọi nẻo đường, chiếm lĩnh khoảng 30% thị trường...

Đường, xe, tài xế, khách hàng đều của VN = "be phải thắng"

Mới 9 tháng tuổi nhưng đã không ít lần xuất hiện trên các trang báo nước ngoài và được nhận định là Start-up lớn nhanh nhất châu Á, điều gì giúp “be”có được thành tích ấn tượng như vậy, thưa ông?
Yếu tố lớn nhất làm nên thành công một cách nhanh chóng như vậy cho “be” chính là con người. Tất cả nhân viên đang làm việc ở “be” đều cực kỳ tâm huyết và luôn tâm niệm kiếm tiền hay rất nhiều tiền không phải đích đến. Trong bối cảnh thị trường cạnh tranh gay gắt và phần lớn đang rơi vào tay các doanh nghiệp (DN) ngoại, chúng tôi chỉ có một tôn chỉ duy nhất là phải thắng, vì lòng tự tôn dân tộc. Nếu đến trụ sở của “be”, bạn sẽ thấy chúng tôi đặt lá cờ Tổ quốc tại nhiều khu vực để nhắc nhở mọi người luôn giữ nhiệt huyết như ngày đầu. Cũng vì bị đặt vào một môi trường khắt khe, cận kề sinh - tử khi chiến đấu với các đối thủ quá lớn, quá nhiều tiền nên chúng tôi không còn cách nào khác là làm gấp đôi, gấp ba công lực và dành mọi tâm sức để cho ra đời những sản phẩm với chất lượng cao nhất có thể.
Thêm một điều nữa mà tôi nghĩ là yếu tố quan trọng không kém giúp “be” nhanh chóng đứng vững, đó là sự tập trung. Nếu để ý các bạn sẽ thấy không giống như các ứng dụng gọi xe khác, nhanh chóng mở rộng ra nhiều dịch vụ như giao nhận hàng hóa, đồ ăn… “be” chỉ tập trung vào một dịch vụ duy nhất là gọi xe. “be” không quá quan tâm đối thủ đang làm gì, phát triển đến đâu, mở thêm những dịch vụ nào để cạnh tranh. Thay vào đó, chúng tôi sẽ ngồi lại với anh em tài xế, trao đổi với họ, nói chuyện thấu hiểu xem họ cần cái gì để cung cấp cái đó, dồn lực vào dịch vụ gọi xe. Đó cũng chính là lý do “be” ngay từ đầu đã đăng ký là DN vận tải. Tất nhiên các dịch vụ mở rộng đều đã nằm trong kế hoạch nhưng chúng tôi muốn tập trung, đạt được hết những kỳ vọng, mong muốn này rồi mới tiến tới các mục tiêu khác.
Người ta thường sợ, cái gì đến nhanh sẽ đi nhanh. be đã đạt được nhưng kết quả ngoài mong đợi trong một thời gian quá ngắn, liệu bên cạnh sức khỏe, be có đủ sức bền?
Chắc chắn dai sức vì “be” đi nhanh nhưng không vội. Thật ra “be” cũng không đi nhanh quá đâu. Từ chương trình khuyến mãi cho đến các chính sách cho tài xế hay tỉ lệ phần trăm thị phần có được… chúng tôi đều làm rất từ từ. Mọi người hay nói cuộc đua này là cuộc đua đốt tiền. Ai nhiều tiền, khuyến mãi “khủng”, duy trì lâu thì người đó thắng. Tuy nhiên tôi không nghĩ vậy. Để chào sân, “be” có khuyến mãi để thu hút khách hàng nhưng mức khuyến mãi hợp lý chỉ như một chất xúc tác chứ không phải kiểu rẻ như cho để kéo người dùng. Grab hay Go-Viet thật sự có tiềm lực tài chính rất lớn, nếu cứ chạy đua bằng tiền chỉ có thua. Vì thế, “be” không nhảy vào các cuộc đua đốt tiền hay cố gắng để thắng từng trận khuyến mãi. Vũ khí của “be” chính là tập trung 100% vào chất lượng. Chúng tôi đi nhanh được là nhờ thị trường yêu “be”, ủng hộ “be”. Đó là hướng đi mà tôi tin là đúng và bền.
“be” có nghĩa là gì và tại sao tên thương hiệu lại không viết hoa?
“be” là “to be”, cũng đồng âm với “bee” - nghĩa là con ong. Ong là loại động vật rất khiêm tốn, nhún nhường. Một con ong có thể bé nhỏ nhưng hàng ngàn, hàng triệu con ong hợp lại sẽ tạo ra sức mạnh rất lớn. “be” không viết hoa thể hiện sự khiêm nhường nhưng chắc chắn sẽ trở thành một cái gì đó, làm nên một điều gì đó lớn lao, mạng lại lợi ích to lớn cho xã hội. 
Vẫn không thể phủ nhận, để giành thị trường, nhất là với một người đến sau, không “chiêu” nào lợi hại hơn bằng việc tung khuyến mãi khủng, thưa ông?
Đúng vậy, chưa kể nhiều người có đặc điểm thấy rẻ thì không có nhu cầu cũng dùng thử cho biết. Thế nhưng không thể có chuyện sản phẩm quá rẻ mà lại quá tốt. Vì vậy, chúng tôi vẫn cần nguồn thu đủ để tái đầu tư, duy trì và cải thiện chất lượng dịch vụ sản phẩm để giữ khách hàng. Suy cho cùng, nếu khách hàng đến với bạn chỉ vì khuyến mãi thì sẽ không bền, hết khuyến mãi khách hàng sẽ bỏ bạn mà đi.
Thực ra đây là cuộc đấu không có người thắng, kẻ thua. Chỉ có tồn tại nổi đến cuối cùng hay không. Cũng như chiến tranh với Mỹ ngày trước, người VN chiến đấu không chỉ để thắng trong một trận chiến mà chiến đấu để bảo vệ những gì thiêng liêng nhất của Tổ quốc và kết quả, chúng ta là người đi đến cuối cùng. Tôi vẫn luôn tin rằng đường VN, xe của VN, tài xế của VN, khách hàng VN thì thật vô lý nếu người dẫn dắt thị trường không phải là một DN Việt. Chúng ta hoàn toàn đủ tiềm lực, đủ đội ngũ kỹ sư, nhân lực giỏi để xây dựng nên những nền tảng công nghệ tốt, không cần phải phụ thuộc vào các công ty nước ngoài. Rõ ràng, “be” chưa bao giờ kêu gọi người tiêu dùng chọn “be” vì là hàng Việt nhưng có một bộ phận không nhỏ người tiêu dùng đang ủng hộ chúng tôi, một phần là vì muốn giúp DN VN. Với cái tâm thế đấy, chúng tôi không nghĩ sẽ thua. Không có tiền nào có thể đốt chết những công ty có niềm tự nào dân tộc lớn như “be”.

Sự chân thành làm nên chất lượng

“be” là ứng dụng gọi xe đầu tiên triển khai những chương trình bảo hiểm toàn diện cho tài xế. Lấy tài xế làm gốc có phải hướng đi riêng của “be”?
Cá nhân tôi luôn đau đáu với câu hỏi làm sao để giúp đỡ những người có điều kiện kém hơn, làm sao để các anh tài xế kiếm thêm được nhiều tiền hơn, được bảo vệ, an toàn hơn. Có một nghịch lý là tại VN hiện nay, hầu hết các tài xế xe công nghệ đều làm full time (cả ngày), đầu tư phương tiện để chạy xe và khổ cực, vất vả nhưng không ai coi tài xế là một nghề chính thức. Họ chưa được bảo vệ, chưa được hưởng các chế độ ưu đãi như bao nghề khác. Điều này quá bất công. Do đó, “be” ngay từ khi thành lập đã chủ trương xây dựng các chính sách lấy tài xế làm gốc. Tổ chức chương trình đào tạo cho các tài xế nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ và sự chuyên nghiệp, xây dựng chương trình bảo hiểm toàn diện, đóng thuế, đóng BHXH cho tài xế… Chúng tôi mong muốn nghề tài xế hay tài xế công nghệ không chỉ là một công việc tạm thời mà sẽ trở thành một nghề nghiệp chính thức được công nhận.
Mỗi tài xế là một đại sứ thương hiệu. Nếu họ vui với công ty, vui với thương hiệu, vui với những gì mà họ đang được nhận khi làm việc tại “be” thì dần dần họ cũng sẽ lĩnh hội được lý tưởng của “be” và hiểu được rằng phải phục vụ khách hàng thật tốt sẽ mang lại một cuộc sống tốt cho họ. Nói vậy để thấy mặc dù chăm sóc tài xế nhưng chung quy lại, lợi ích của khách hàng vẫn được đặt lên hàng đầu và cũng là đích đến cuối cùng. Đi từ tài xế, chúng tôi đang theo đuổi trường phái phát triển bền vững.
Để nói một cách ngắn gọn về "vũ khí" cạnh tranh của be, ông sẽ nói gì?
Sự chân thành và chất lượng. Khi thật sự chân thành, bạn sẽ tạo ra những sản phẩm thật sự chất lượng.
Ông Trần Thanh Hải:
Mọi người thường hay trêu tôi bị mắc hội chứng OCD (Obsessive-Compulsive Disorder - rối loạn ám ảnh cưỡng chế) vì tôi rất chú ý đến những tiểu tiết. Bất cứ thứ gì dù là nhỏ nhất mà làm không đúng, không tốt tôi sẽ yêu cầu làm lại, làm đến bao giờ đúng thì thôi. Dịch vụ của “be” cũng vậy. Chúng tôi chú trọng đến tiểu tiết thông qua từng hành động của tài xế. Đơn cử như sau khi nhận cuốc, tài xế sẽ lập tức liên hệ xác nhận, không để khách hàng chờ lâu hay chỉ đơn giản là những câu chào, lời cảm ơn, xin lỗi… Mỗi một chuyến đi phải là một chuyến xe mà khách ca ngợi về tài xế của “be” và ngược lại, tài xế ca ngợi về khách của “be”. Một khi đã có được lòng tin, sự yêu mến, ủng hộ của cả tài xế và khách hàng, “be” làm gì cũng sẽ thắng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.