Kinh doanh sau 0 giờ: Cấm nhưng không quản được

22/07/2019 07:05 GMT+7

Hầu hết các vũ trường, quán bar đều phải lách luật bằng cách đăng ký loại hình kinh doanh khác, hoặc 'đi đêm' với cơ quan quản lý để được hoạt động quá giờ quy định.

Theo “Quy chế hoạt động văn hóa và kinh doanh dịch vụ văn hóa công cộng” ban hành theo Nghị định 103/2009, các vũ trường, hoạt động karaoke không được hoạt động sau 12 giờ đêm đến 8 giờ sáng; quầy bar trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 3 sao trở lên hoặc hạng cao cấp được hoạt động sau 12 giờ đêm nhưng không quá 2 giờ sáng.
Vũ trường, phòng karaoke trong các cơ sở lưu trú du lịch được xếp hạng từ 4 sao trở lên hoặc hạng cao cấp cũng chỉ được hoạt động trong khung giờ trên. Bên cạnh đó, theo Nghị định 167/2010 do Chính phủ ban hành, các điểm kinh doanh không được tổ chức các hoạt động kinh doanh, ăn uống… gây ồn ào từ 22 giờ - 6 giờ sáng hôm sau.
Mới đây nhất, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 54/2019 quy định về kinh doanh dịch vụ karaoke, vũ trường (có hiệu lực từ 1.9) quy định DN hoặc hộ kinh doanh dịch vụ karaoke không được hoạt động từ 0 - 8 giờ sáng, dịch vụ vũ trường phải đóng cửa sau 2 giờ sáng. Hành vi kinh doanh karaoke quá giờ quy định sẽ bị phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng, đối với vũ trường mức phạt cao hơn: từ 10 - 15 triệu đồng.
Riêng tại TP.HCM, các quán bar, vũ trường phải đóng cửa sau 0 giờ. Thế nhưng thực tế, không ít các quán bar, vũ trường dù đã 1 - 2 giờ sáng vẫn đông kín khách. Ngay tại phố đi bộ Bùi Viện, 2 - 3 giờ sáng vẫn nhộn nhịp khách Tây, khách ta ngồi hát hò, nhậu nhẹt.
Anh K.H, người đã có nhiều năm kinh nghiệm kinh doanh quán bar tại TP.HCM, cho biết thời gian vui chơi chủ yếu của khách là khoảng sau 8 giờ tối, đối với khách nước ngoài sẽ muộn hơn, khoảng sau 21 giờ. Việc bắt khách ra về khi họ vẫn còn nhu cầu vui chơi là không khả thi, ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động kinh doanh của DN.
Do đó, hầu hết các vũ trường, quán bar đều phải lách luật bằng cách đăng ký loại hình kinh doanh khác, hoặc “đi đêm” với cơ quan quản lý để được hoạt động quá giờ quy định. Không ít chủ quán bar, nhà hàng sẵn sàng chấp nhận đóng phạt để được hoạt động thêm 1 - 2 giờ đồng hồ.
PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng không chỉ giảm doanh thu nền kinh tế, giảm khả năng thu lượng ngoại tệ lớn từ du khách, những quy định về “giờ giới nghiêm” còn vô tình tạo ra những bất cập, tiêu cực trong công tác quản lý. Việc các quán bar, vũ trường phải hoạt động “chui” chứng tỏ nhu cầu của thị trường là có và quy định không đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn.
Ông Lương dẫn chứng: Từ khi Singapore chính thức cho vận hành 2 tổ hợp casino hoạt động chủ yếu ban đêm, quốc gia này không chỉ tăng gấp đôi nguồn thu từ du lịch mà còn kiểm soát được các hoạt động cờ bạc vỉa hè. Hay như Thái Lan quy hoạch cả khu Pattaya thành “khu phố đèn đỏ”, nhà nước chỉ cần tập trung quản lý đúng khu vực đó mà không sợ tệ nạn diễn ra tràn lan tại các thành phố khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.