Chậm nhất tháng 1.2021 sẽ có cơ chế mới giá bán điện mặt trời mái nhà

Chí Hiếu
Chí Hiếu
29/12/2020 20:59 GMT+7

Bộ Công thương cho hay, trong tháng 12.2020 hoặc chậm nhất là tháng 1.2021 sẽ báo cáo trình Thủ tướng đề xuất cơ chế mới về giá bán đ iện mặt trời mái nhà .

Phân chia theo công suất hoặc vùng bức xạ

Trao đổi với Thanh Niên chiều 29.12, một lãnh đạo Bộ Công thương cho biết, Bộ Công thương đang gấp rút hoàn thiện hướng dẫn cơ chế điện mặt trời mái nhà (ĐMTMN) thay thế Quyết định 13 của Thủ tướng.
Cụ thể, Bộ Công thương phối hợp với các chuyên gia tư vấn, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đánh giá, rà soát cập nhật thông số đầu vào mô hình tính toán, nhu cầu về điện thời gian tới, khả năng vận hành hệ thống điện... Trên cơ sở các thông số đầu vào, Bộ xem xét đề xuất giá bán điện mới áp dụng cho các hệ thống ĐMTMN giai đoạn sau năm 2020.
“Hiện tại, một số phương án đang được triển khai nghiên cứu, phân tích bao gồm: tính toán giá bán điện mặt trời mái nhà cố định phân chia theo vùng bức xạ. Bên cạnh đó, cũng có phương án tính giá bán cố định phân chia theo quy mô công suất như dưới 15 kWp, 100 kWp, 1,25 MWp”, vị này nói.
Cùng với đó, đề án cũng nghiên cứu khả năng nâng giới hạn công suất điện mặt trời mái nhà lên đến 3 MW; nghiên cứu phương án giá bán điện mặt trời mái nhà cố định phân chia theo khu vực phụ tải và cả nghiên cứu phương án khuyến khích đối tượng khách hàng lắp điện mặt trời mái nhà để tự dùng là chính.
“Theo kế hoạch, ngay trong tháng 12.2020 này hoặc chậm nhất là tháng 1.2021, Bộ Công thương sẽ có báo cáo chính thức để trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt về đề xuất giá bán ĐMTMN áp dụng cho giai đoạn sau 2020”, vị này nói thêm. 
Trong khi đó, một lãnh đạo của EVN cho hay, những ngày qua, EVN đã theo dõi phản ứng của người dân xung quanh thông báo ngừng đấu nối, ký hợp đồng mua điện sau ngày 31.12.
“Chúng tôi rất chia sẻ với người dân nhưng vì EVN cũng chưa có cơ sở pháp lý để thực hiện. Hiện nay, EVN cũng có trang web riêng về điện mặt trời (evnsolar) để thông tin cho nhà đầu tư về khả năng đấu nối, hiện trạng phát triển điện mặt trời. Tất cả đều được công khai cũng như có cả hướng dẫn, tư vấn, kết nối các nhà đầu tư với các chủ mái nhà hoàn toàn miễn phí”, vị này cho hay.

Điện mặt trời mái nhà chờ cơ chế mới

Ảnh Nguyên Nga

Dẫn số liệu trên trang thông tin điện tử của EVN, Bộ Công thương cho biết, đến ngày 29.12.2020, cả nước đã có hơn 86.000 hệ thống ĐMTMN với tổng công suất lắp đặt hơn 5.200 MWp.
Do vậy, cần xem xét, tính toán giá bán điện mặt trời mái nhà để đảm bảo vừa vận hành an toàn lưới điện, vừa đáp ứng nhu cầu phụ tải, vừa khuyến khích đúng đối tượng cần khuyến khích.

Đấu giá điện mặt trời nổi và mặt đất

Đối với điện mặt trời mặt đất và điện mặt trời nổi, Bộ Công thương cho biết, từ hồi tháng 3.2020, Bộ đã có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về cơ chế xác định giá điện cạnh tranh cho phát triển các dự án điện mặt trời.
Đến tháng 7,2020, Văn phòng Chính phủ có thông báo kết luận của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ Công thương nghiên cứu, tiếp thu ý kiến tham gia bằng văn bản của các bộ, ngành liên quan nên vào cuối tháng 9, Bộ Công thương đã có văn bản xin ý kiến các bộ, ngành góp ý về dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về chương trình thí điểm xác định giá mua bán điện mặt trời.
Trên cơ sở ý kiến góp ý của các bộ ngành, Bộ Công thương hiện đang khẩn trương nghiên cứu, tiếp thu hoàn thiện dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về cơ chế đầu thầu điện mặt trời.
“Theo quy định, kể từ ngày 31.12.2020, Quyết định số 13 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt cơ chế phát triển điện mặt trời tại Việt Nam chính thức hết hiệu lực. Để duy trì chính sách ổn định, thông suốt hoạt động cho các nhà đầu tư, Bộ Công thương đã phối hợp với Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nghiên cứu cơ chế đấu thầu/đấu giá dự án điện mặt trời tại Việt Nam”, Bộ Công thương thông tin.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.