Hà Tĩnh: Người dân kêu trời vì bị trại lợn 'chui' hành hạ

Phạm Đức
Phạm Đức
09/08/2021 06:40 GMT+7

Hơn 1 năm nay, người dân ở xã An Dũng (H.Đức Thọ, Hà Tĩnh) bức xúc về việc một doanh nghiệp nuôi lợn khi chưa được cấp phép trên địa bàn, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân.

Mất ăn, mất ngủ vì mùi hôi thối

Theo phản ánh của người dân, năm 2015, Công ty TNHH Khánh Giang được UBND tỉnh Hà Tĩnh cấp phép cho làm dự án chăn nuôi bò sữa cao sản Bắc Hà trên diện tích hơn 27 ha ở cánh đồng thuộc thôn Ngoại Xuân (xã An Dũng, H.Đức Thọ, Hà Tĩnh). Mục tiêu của dự án nuôi bò với quy mô 500 con này nhằm phát triển vùng nguyên liệu và xây dựng mô hình liên kết với các hộ dân, tạo việc làm, giúp người dân địa phương tăng thu nhập.
Ông Võ Quốc Anh (45 tuổi, ngụ tại thôn Ngoại Xuân) cho biết, sau khi hoàn thành xây dựng một số chuồng trại, Công ty TNHH Khánh Giang nhập về một số lượng ít bò sữa để nuôi. Tuy nhiên, hơn 1 năm trở lại đây, chủ đầu tư đã cho sửa sang lại chuồng trại để nuôi lợn thương phẩm với quy mô lớn.
“Kể từ ngày trang trại này chuyển sang nuôi lợn, người dân chúng tôi mặc dù nhà ở cách đó khá xa nhưng vẫn bị mùi hôi thối tấn công, không tài nào thở được. Người dân trong thôn cũng nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương, yêu cầu chủ đầu tư phải có biện pháp xử lý chất thải để đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhưng cho đến nay chúng tôi vẫn bị mùi thối của phân lợn… hành hạ hàng ngày”, ông Nam bức xúc nói.
Cũng theo ông Nam, trại nuôi lợn không những ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng không khí xung quanh, mà nước bề mặt ở khu xử lý chất thải của trại lợn này còn chảy tràn ra các mương thoát nước, ảnh hưởng đến việc sản xuất nông nghiệp của người dân. Cực chẳng đã, nhiều lần người dân thôn Ngoại Xuân đã kéo nhau đến trại lợn, yêu cầu chủ đầu tư phải chấm dứt việc chăn nuôi.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, Trưởng thôn Ngoại Xuân, nói rằng việc trại nuôi lợn gây ô nhiễm đã được người dân phản ánh rất nhiều tại các cuộc họp của xã và huyện. Trại lợn này không chỉ đang “bức tử” môi trường không khí mà người dân còn lo sợ ảnh hưởng đến nguồn nước sinh hoạt.
“Tôi đại diện cho các hộ dân trong thôn phản ánh lên xã và huyện nhưng chính quyền các cấp không hiểu vì lý do gì vẫn để tình trạng trại lợn gây ô nhiễm kéo dài. Người dân đang mong chờ động thái quyết liệt của chính quyền địa phương với chủ trại lợn”, ông Thọ nói.

Nuôi lợn khi chưa được cấp phép

Theo ông Phan Trung Kiên, Phó chủ tịch UBND xã An Dũng, do việc chăn nuôi bò sữa bị thua lỗ nên Công ty TNHH Khánh Giang đã làm thủ tục xin điều chỉnh quy hoạch một số diện tích để chuyển sang nuôi lợn. Mặc dù đến nay, đề xuất trên chưa được chính quyền các cấp đồng ý nhưng công ty này đã thả nuôi nhiều lứa lợn thương phẩm, gây ảnh hưởng đến môi trường, khiến người dân vô cùng bức xúc.
“Hiện nay chúng tôi đang yêu cầu doanh nghiệp nuôi hết lứa lợn này phải dừng lại”, ông Kiên nói.
Trao đổi với phóng viên, ông Thái Sơn Vinh, Trưởng phòng TN-MT H.Đức Thọ, cho hay trước phản đối quyết liệt của người dân, ngày 27.7 vừa qua, ngành chức năng của huyện đã phối hợp với UBND xã An Dũng tiến hành kiểm tra việc chăn nuôi lợn trái phép của Công ty TNHH Khánh Giang. Tại thời điểm kiểm tra, công ty này đang nuôi hơn 1.600 con lợn, 20 con bò nái và 30 con trâu. Chủ doanh nghiệp không xuất trình được hồ sơ cấp phép của việc chuyển đổi chăn nuôi.
Sau khi kiểm tra, lãnh đạo UBND H.Đức Thọ đã yêu cầu chủ trang trại không được thả mới lợn thương phẩm và di dời đàn lợn đang nuôi đi nơi khác. Đồng thời, khắc phục, nâng cấp, cải tạo các công trình bảo vệ môi trường để đảm bảo việc xử lý nước thải từ chăn nuôi đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường.
“Việc Công ty TNHH Khánh Giang tự ý chuyển sang nuôi lợn là trái phép nên huyện đã lập biên bản đình chỉ việc chăn nuôi lợn, đồng thời yêu cầu chủ đầu tư phải di dời toàn bộ số lợn đang chăn nuôi đi nơi khác trong vòng 10 ngày. Hiện nay, chủ trang trại đã di dời được hơn 100 con và xin chính quyền địa phương gia hạn thêm thời gian để chuyển hết số lượng lợn còn lại”, ông Vinh nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.