Lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong nước vượt xuất khẩu

20/07/2021 09:58 GMT+7

Bất chấp tác động của dịch Covid-19, Bắc Giang vẫn có một mùa vụ vải thiều bội thu , được cả mùa lẫn giá. Đặc biệt, lần đầu tiên sản lượng tiêu thụ trong nước cao hơn xuất khẩu.

Đưa vải thiều lên sàn điện tử thương mại

Bắc Giang khởi động mùa tiêu thụ vải thiều năm nay trong bối cảnh là tâm dịch Covid-19 nóng nhất cả nước nhưng trong hơn 1 tháng vừa qua, địa phương đã có vụ vải thành công.
Theo báo cáo của Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, mùa vụ năm nay toàn tỉnh tiêu thụ được 215.852 tấn vải thiều (tăng trên 50.850 tấn, tương đương tăng 30,8% sản lượng so với năm 2020). Đặc biệt, giá bán vải ổn định từ đầu đến cuối vụ. Trong đó, giá bình quân của cả vụ đạt 19.800 đồng/kg, cơ bản tương đương, thậm chí có thời điểm cao hơn những năm không có dịch. Theo đó, vụ vải thiều năm nay nông dân Bắc Giang bỏ túi 4.274 tỉ đồng.

Tiêu thụ thuận lợi ở cả thị trường trong nước và xuất khẩu giúp vải thiều Bắc Giang được giữ được giá ổn đinh từ đầu vụ đến cuối vụ

Ảnh Hoàng Phan

Ông Trần Quang Tấn, Giám đốc Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, cho rằng mùa tiêu thụ vải thiều năm nay diễn ra trong bối cảnh đặc biệt, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, Bắc Giang là tâm dịch lớn nhất cả nước. Dự báo dịch Covid-19 sẽ ảnh hưởng tiêu thụ, xuất khẩu vải thiều, tỉnh Bắc Giang đã xây dựng 3 kịch bản khác nhau, nhưng thực tế, Bắc Giang linh hoạt điều hành các kịch bản trong từng giai đoạn cụ thể, với từng trà vải, từng phân khúc và từng thị trường khác nhau.
“Trước ngày 20.6, Bắc Giang đẩy mạnh tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong nước nhưng từ ngày 20.6 trở đi khi dịch Covid-19 ở các tỉnh phía Nam diễn biến phức tạp thì tiêu thụ đẩy mạnh sang kênh xuất khẩu sang Trung Quốc”, ông Tấn nói.
Cũng theo ông Tấn, thành công của mùa tiêu thụ vải năm nay đến từ linh hoạt chuyển đổi số, đưa quả vải thiều lên các sàn thương mại điện tử. Ngay từ đầu vụ, Bắc Giang đã sớm bàn với Bộ Công thương đẩy mạnh quảng bá, đưa quả vải thiều lên các sàn thương mại điện tử của Việt Nam cũng như quốc tế. Vải thiều lần đầu tiên được quảng bá, bày bán trên 7 sàn thương mại điện tử lớn như Sendo, Voso, Post mart, Tiki, Shopee, Alibaba, Lazada. “Nếu như năm ngoái, vải thiều bán trên sàn thương mại điện tử chỉ được 7 tấn thì năm nay sản lượng bán trên các sàn thương mại điện tử này là trên 7.000 tấn, trên cả mong đợi ”, ông Tấn cho biết thêm. 

Quả vải thiều Việt Nam được xuất khẩu đến nhiều quốc gia. Trong ảnh là vải thiều bán tại cửa hàng Al Mart, TP.Tsukuba, tỉnh Ibaraki, Nhật Bản

Ảnh Khang Anh

Bài học cho tiêu thụ nhiều nông sản khác

Ở những mùa vụ trước đây, vải thiều Bắc Giang phấn lớn được thu mua để xuất khẩu. Trung Quốc là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Sản lượng tiêu thụ vải thiều ở thị trường trong nước luôn “lép vế” so với sản lượng vải thiều xuất khẩu. Nhưng trong mùa vụ năm nay, sản lượng vải thiều Bắc Giang tiêu thụ trong nước lần đầu tiên cao hơn sản lượng xuất khẩu là dấu ấn đặc biệt.
Theo Sở Công thương tỉnh Bắc Giang, vải thiều tiêu thụ nội địa đạt khoảng 126.552 tấn (chiếm khoảng 58,6% tổng sản lượng), có mặt ở khắp các chuỗi siêu thị lớn như Vinmart, BigC, Saigon Coop, Hapro, Aeon, Lotte… Trong bối cảnh dịch Covid-19, vải thiều Bắc Giang có “luồng xanh” được thuận lợi thông qua các chốt kiểm soát dịch đường bộ. Các hãng hàng không nội địa (Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air) có chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện để quả vải được vận chuyển bằng đường hàng không đến với người tiêu dùng các tỉnh phía Nam.

Vải thiều Bắc Giang tiêu thụ nội địa nhiều hơn xuất khẩu là dấu ấn thành công nổi bật trong mùa vụ năm nay

Ảnh Đậu Tiến Đạt

Cũng theo ông Trần Quang Tấn, trong bối cảnh dịch Covid-19, các hệ thống siêu thị lớn hoặc nhiều tổ chức đoàn thể T.Ư Đoàn, T.Ư Hội Phụ nữ Việt Nam, Hội Nông dân… đều đẩy mạnh quảng bá, tiêu thụ vải thiều thông qua bán hàng online, đây cũng là xu hướng mới trong kết nối tiêu thụ nông sản mà các địa phương, người nông dân phải chuyển đổi để tăng cơ hội kết nối trực tiếp với khách hàng.
“Tỷ trọng vải thiều tiêu thụ trong nước vượt xuất khẩu cho thấy, sức tiêu thụ của thị trường nội địa với 100 triệu dân là rất lớn và đây cũng là một bài học kinh nghiệm có thể áp dụng để tổ chức tiêu thụ nhiều loại nông sản ngay trong tại thị trường trong nước”, ông Tấn nói.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.