Ông Lê Hải Trà, phụ trách Hội đồng quản trị Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM, cho biết trong năm nay, dù còn nhiều thách thức nhưng vẫn tin tưởng việc thị trường chứng khoán Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi.
Trước đó vào cuối tháng 9, FTSE Russell - một trong những tổ chức cung cấp chỉ số uy tín toàn cầu - đã chính thức đưa thị trường chứng khoán Việt Nam vào danh sách xem xét để nâng hạng từ thị trường cận biên thành thị trường mới nổi. Theo đó, thị trường Việt Nam đã đáp ứng được các tiêu chí xếp hạng của FTSE Russell đối với thị trường mới nổi thứ cấp (Secondary Emerging Market), bao gồm môi trường pháp lý, hạ tầng và chất lượng thị trường, hệ thống lưu ký và thanh toán bù trừ.
Để được chính thức nâng hạng, thị trường Việt Nam sẽ cần tiếp tục duy trì và cải thiện tốt hơn các tiêu chí được đề ra và thời gian tối thiểu xem xét là một năm. Nếu được FTSE Russell nâng hạng, vị thế của thị trường chứng khoán nói riêng và thị trường tài chính Việt Nam sẽ được gia tăng đối với công chúng nhà đầu tư. Đồng thời sẽ tác động tích cực lên khả năng thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như cải thiện thanh khoản của thị trường, chất lượng của doanh nghiệp niêm yết.
Theo quy định của FTSE Russell, một thị trường cần ở trong diện theo dõi ít nhất là một năm trước khi đơn vị này xem xét thông báo nâng hạng và sau đó là một năm nữa trước khi được chính thức nâng hạng.
Trong báo cáo của Công ty chứng khoán Rồng Việt với chủ đề "Nâng hạng lên thị trường mới nổi bởi FTSE Russell - Việt Nam gần tới mức nào?" vào cuối năm 2018, công ty này cho rằng Việt Nam vốn đã thỏa mãn 9/9 tiêu chí tại thời điểm được vào danh sách theo dõi. Do đó, công ty chứng khoán Rồng Việt tin rằng nếu các tiêu chí này được duy trì trong năm theo dõi hiện tại (từ tháng 9.2018 đến tháng 9.2019), Việt Nam rất có thể sẽ được nâng cấp lên thị trường mới nổi thứ cấp vào năm 2020.
|
Tuy nhiên, chia sẻ với Thanh Niên, ông Johan Nyvene - Tổng giám đốc Công ty chứng khoán TP.HCM - cho rằng vẫn còn rất nhiều việc phải làm để thị trường chứng khoán Việt được chính thức nâng hạng. Ví dụ như chuẩn mực công bố thông tin, chuẩn mực kế toán hay việc giới hạn tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư nước ngoài cần chỉnh sửa bổ sung thêm. Hoặc tính thanh khoản của thị trường cần ở mức cao như năm vừa qua và được duy trì đều đặn. Bởi các tổ chức đánh giá luôn xem xét đến yếu tố phát triển bền vững của thị trường trong dài hạn.
Tương tự, ông Andy Hồ - Giám đốc điều hành VinaCapital - cũng cho rằng để được xem xét nâng hạng, thị trường chứng khoán cần một số yếu tố “mềm” như các doanh nghiệp có công bố Báo cáo tài chính bằng tiếng Anh song song với tiếng Việt hay không? Giao dịch của thị trường đã đủ lớn chưa…
Bình luận