Làn sóng mới trên thị trường tiền ảo

Mai Phương
Mai Phương
14/07/2019 07:47 GMT+7

Không chỉ Facebook công bố sẽ phát hành đồng tiền kỹ thuật số Libra, nhiều tập đoàn tài chính lớn trên thế giới đã và đang tham gia cuộc đua tiền ảo của riêng mình.

Từ Libra của Facebook

Giữa tháng 6 vừa qua, mạng xã hội Facebook chính thức công bố sẽ phát hành đồng tiền ảo Libra trong năm 2020. Đơn vị này cũng cho biết sẽ liên kết với 27 đối tác hình thành tổ chức Libra Association để quản lý đồng tiền ảo mới, trong đó có Mastercard, Visa, Spotify, PayPal, eBay, Uber, Vodafone...

Việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể chưa phù hợp đối với thực tiễn ở VN. Tuy nhiên cũng không thể đi ngược lại với xu thế

TS Cấn Văn Lực
Facebook có thành công trong dự án này hay không vẫn chưa rõ khi nhiều nước đang tỏ ra thận trọng. Đặc biệt theo CNBC, ngày 11.7 Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra thông điệp trên Twitter cho rằng Facebook cần giấy phép để hoạt động như ngân hàng nếu muốn tung ra đồng tiền số Libra. Tổng thống Trump nhấn mạnh tiền kỹ thuật số không phải tài sản và nếu không được kiểm soát có thể tạo điều kiện cho các hành vi bất hợp pháp, bao gồm buôn bán ma túy và các hoạt động vi phạm pháp luật khác.
Tổng thống Mỹ không phải người duy nhất chỉ trích đồng Libra của Facebook. Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ (FED), Jerome Powell ngày 10.7 cũng cho rằng kế hoạch phát hành tiền ảo Libra của Facebook "không thể tiến thêm" cho tới khi các mối lo ngại về dự án này được giải quyết xong. Ông Powell nói trong cuộc điều trần định kỳ trước Ủy ban Dịch vụ tài chính thuộc Hạ viện Mỹ là Libra đặt ra nhiều mối lo lớn về các vấn đề bảo mật, rửa tiền, bảo vệ người tiêu dùng và ổn định tài chính. FED đã thành lập một nhóm công tác theo dõi dự án Libra và phối hợp với các ngân hàng trung ương khác trên toàn cầu về vấn đề này.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire và Thống đốc Ngân hàng Anh Mark Carney cũng là những người lên tiếng chống lại Libra.
Các nhà đầu tư tại VN kỳ vọng tiền ảo tăng giá sau khi Facebook và các tập đoàn tài chính lớn công bố phát hành tiền ảo Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Các nhà đầu tư tại VN kỳ vọng tiền ảo tăng giá sau khi Facebook và các tập đoàn tài chính lớn công bố phát hành tiền ảo

Ảnh: Đào Ngọc Thạch

Đến các ngân hàng Mỹ, Nhật

Thật ra trước khi Facebook công bố về đồng tiền ảo Libra, đầu năm nay ngân hàng lớn nhất Mỹ là JPMorgan Chase đã phát hành đồng tiền ảo có tên JPM Coin. Theo trang CNBC, đây là đồng tiền ảo đầu tiên được hậu thuẫn bởi một nhà băng hàng đầu tại nền kinh tế số 1 thế giới. Việc phát hành đồng tiền ảo nói trên là một phần trong nỗ lực của JPMorgan Chase nhằm chuẩn bị cho tương lai khi nhiều hoạt động tài chính - ngân hàng từ thanh toán xuyên biên giới cho tới phát hành nợ doanh nghiệp, sẽ được thực hiện dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain). Đây là công nghệ đứng sau các đồng tiền kỹ thuật số mà nổi tiếng nhất là Bitcoin.
Đầu tháng 6 vừa qua, tờ Nikkei đưa tin 14 ngân hàng lớn, bao gồm MUFG Bank, Sumitomo Mitsui Banking Corp của Nhật; UBS, Credit Suisse và Barclays của châu Âu và State Street của Mỹ, đang cùng hợp tác phát triển một đồng tiền kỹ thuật số gọi là USC để sử dụng cho các giao dịch chuyển tiền xuyên biên giới tức thời, giảm chi phí giao dịch bằng việc giảm các kênh trung gian. Dự án này được vận hành bởi Fnality International, một công ty được thành lập tại London (Anh) với vốn đầu tư khoảng 50 triệu bảng (63,1 triệu USD) từ 14 ngân hàng trên. Fnality dự kiến sẽ có thêm các cuộc thảo luận với đại diện các ngân hàng trung ương để lập các tài khoản USC…
Ông Phan Dũng Khánh, chuyên gia thị trường tài chính tiền tệ, giảng viên Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng việc các tập đoàn lớn phát hành đồng tiền số sẽ là một xu thế theo sự phát triển của công nghệ 4.0. Trong khi đồng tiền ảo của JPMorgan Chase chỉ mới sử dụng cho các tổ chức thì Libra của Facebook chủ yếu dành cho người dùng cá nhân, tạo thêm phương tiện thanh toán mới thuận tiện hơn cho nhiều người. Từ đó cũng có thể tạo ra làn sóng phát triển các ứng dụng mới có thể được cho phép sử dụng thanh toán bằng Libra. “Hiện nay ở VN, dù ai đang sở hữu đồng tiền ảo Bitcoin, Ethereum thì cũng không thể dùng để trả tiền một tô phở. Nhưng nếu như Libra của Facebook được phát hành thì biết đâu có lúc, khi vô một quán phở chỉ cần đăng nhập vào tài khoản Facebook là thanh toán được luôn, vì đa số người nào cũng có tài khoản mạng xã hội này”, ông Khánh nói.

Cần ứng xử, quản lý phù hợp

Trong khi các dự án tiền ảo của các tập đoàn lớn chưa được quan tâm nhiều thì việc công bố phát hành Libra của Facebook lại được nhiều chuyên gia tài chính khẳng định sẽ tác động lớn đến kinh tế và thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu. Báo cáo nghiên cứu về đồng tiền Libra của Facebook và đưa ra các kiến nghị đối với VN mới đây do TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV nhận định, nếu đồng Libra thực sự đi vào hoạt động, sự phát triển của nó cùng hệ sinh thái sẽ có ít nhất 4 tác động lớn. Đó là Libra có thể tác động tới sự vận hành hiệu quả của hệ thống thanh toán và niềm tin của người tiêu dùng. Thứ hai, Libra làm tăng thách thức đối với phòng ngừa rửa tiền và tội phạm. Thứ ba là Libra có thể đe dọa trực tiếp đến sự tồn tại của các tổ chức trung gian tài chính, Fintech và ví điện tử viễn thông vì các cá nhân có thể giao dịch trực tiếp với chi phí thấp và nhanh chóng. Cuối cùng, đồng Libra có tác động đối với chính sách của ngân hàng trung ương và cơ quan quản lý của các quốc gia. Khi việc sử dụng tiền kỹ thuật số nói chung và đồng Libra nói riêng ngày càng tăng sẽ có tác động đến hệ thống thanh toán, đến lượng cung tiền, đến phân giao trách nhiệm quản lý, giám sát và xử lý rủi ro hệ thống, rủi ro lan truyền, nếu sự cố xảy ra...
Nhóm nghiên cứu cho rằng tiền kỹ thuật số có thể coi là một phát minh của nhân loại, là xu thế và sẽ còn tiếp tục tồn tại. Hơn nữa, công nghệ blockchain sẽ được ứng dụng ngày càng nhiều trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực tài chính - ngân hàng. Do đó, không thể ngăn cấm hoàn toàn mà vấn đề là nên quản lý, kiểm soát như thế nào. “Việc chấp nhận đồng tiền kỹ thuật số trong giai đoạn này có thể chưa phù hợp đối với thực tiễn ở VN. Tuy nhiên cũng không thể đi ngược lại với xu thế. Vì vậy, Ngân hàng Nhà nước, Bộ Tài chính, các bộ, ngành và các tổ chức tài chính, trung gian thanh toán, doanh nghiệp công nghệ… cần sớm tìm hiểu, tiếp cận, xây dựng hành lang pháp lý (gồm cả dạng thí điểm) để người dân, tổ chức, doanh nghiệp có thể ứng dụng, khai thác và kiểm soát rủi ro nền tảng công nghệ chuỗi khối này. Cơ quan chức năng cần sớm nghiên cứu, đánh giá kỹ tác động của việc xuất hiện đồng Libra này; từ đó có phương án về cách tiếp cận, ứng xử và kịch bản quản lý, giám sát phù hợp”, TS Cấn Văn Lực chia sẻ thêm.
Đồng quan điểm, chuyên gia tài chính Đinh Tuấn Minh cũng cho rằng, cơ chế đảm bảo giá trị của đồng tiền Libra hiện chưa rõ ràng như một đồng tiền thanh toán được đảm bảo bởi một ngân hàng trung ương. “Nếu Libra xuất hiện và thật sự là một đồng tiền dùng để thanh toán thì chắc chắn sẽ có tác động đến thị trường tài chính tiền tệ trên thế giới. Quan trọng nhất là cơ quan tài chính VN phải chủ động tìm hiểu ngay về cơ sở pháp lý, tính khả thi của đồng Libra như thế nào để nếu nó đi vào thực hiện thì sẽ có cơ sở đưa ra đối sách hợp lý. Vì nếu Libra nói riêng hay bất kỳ đồng tiền ảo nào đi vào thực hiện nếu có nhiều người lựa chọn sử dụng thì mức độ ảnh hưởng đến kinh tế tài chính càng lớn và không thể cấm”, ông Đinh Tuấn Minh nhấn mạnh.

Tiền ảo JPM Coin hoạt động như thế nào?

Mỗi ngày, bộ phận ngân hàng bán buôn (wholesale banking) của JPMorgan Chase di chuyển lượng tiền lên tới 6.000 tỉ USD trên phạm vi toàn cầu cho khách hàng doanh nghiệp. JPM Coin ra đời nhằm thực hiện nhanh chóng thanh toán giữa các khách hàng của JPMorgan Chase. Bước đầu, JPM Coin sẽ chỉ đảm nhiệm một phần rất nhỏ trong lượng tiền mà JPMorgan Chase di chuyển mỗi ngày. Mỗi đồng tiền ảo này có thể đổi sang 1 USD, bởi vậy giá trị của nó sẽ không biến động. Khách hàng của JPMorgan Chase sẽ được cấp JPM Coin sau khi gửi tiền vào ngân hàng. Sau khi tiền ảo được dùng để thanh toán, ngân hàng sẽ hủy số tiền ảo đó và chuyển lại cho khách hàng một số lượng USD tương đương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.