CTCP Tập đoàn Yeah1 (mã YEG) khi mới lên sàn được giới đầu tư kỳ vọng từ bước phát triển khá nhanh trong lĩnh vực kinh doanh mới mẻ đầy tiềm năng: kỹ thuật số, quảng cáo trực tuyến trên YouTube, Google... Song những tham vọng, sự nóng vội đã đẩy công ty đến bờ vực khủng hoảng khi sự cố ập đến. Ngày 3.3, YouTube tuyên bố sẽ chấm dứt thỏa thuận lưu trữ nội dung đối với Yeah1 Network, một thành viên của Yeah1, khi nghi ngờ Yeah1 Network cung cấp nhiều nội dung “bẩn” trên các video, clip của mình.
Ngay sau thông báo, cổ phiếu YEG lập tức giảm sàn trắng bên mua. Tính đến ngày 17.3, cổ phiếu này đã có chẵn 10 phiên lao dốc kịch biên độ, nhà đầu tư trong và ngoài nước đua nhau tháo chạy.
Từ “thổi giá”...
Theo các chuyên gia, câu chuyện YEG có nhiều điều cần bàn. Thứ nhất, tăng vốn thần tốc quá mức so với tiềm lực, tài sản thực sự của doanh nghiệp. Cụ thể, trước khi lên sàn vào ngày 26.6.2018 (với mức giá 250.000 đồng gấp 25 lần mệnh giá, vốn hóa hàng nghìn tỉ đồng), Yeah1 có 10 lần tăng vốn.
tin liên quan
Cổ phiếu Yeah1 'bốc hơi' gần 50% trong khủng hoảng với YouTubeChính điều này khiến nhiều chuyên gia, nhà đầu tư lo ngại. “Tại sao lại phát hành giá 0 đồng cho cổ đông. Vậy giờ YEG có bán với giá 1.000 đồng thì lãnh đạo, cổ đông đó vẫn có lãi. Liệu có phải là việc tăng vốn không được kiểm soát?”, một cổ đông trên diễn đàn uy tín về chứng khoán đặt nghi vấn.
Tiếp sau đó, vào ngày 3.3, YEG công bố thông tin về sự cố YouTube. Lãnh đạo Yeah1 khẳng định với thị trường, dù chiếm tới 67% tổng doanh thu của Yeah1 Network, nhưng doanh thu từ quản lý kênh của bên thứ ba chỉ đem lại lợi nhuận sau thuế 1 triệu USD, tương đương 25% lợi nhuận sau thuế của Yeah1 Network và 13% lợi nhuận sau thuế của Yeah1. Tuy nhiên, theo tài liệu Công ty chứng khoán TP.HCM (HSC) phân tích, nguồn từ mạng lưới đa kênh mới là đóng góp chính vào doanh thu của Yeah1 Network. Năm 2018, nguồn này đóng góp 67% tổng doanh thu.
Với trường hợp của YEG, với giá giảm sàn 10 phiên, hiện nhà đầu tư nắm giữ YEG từ mức giá lên sàn 250.000 đồng/cổ phiếu, đã bay mất hơn 50% giá trị. Đau xót hơn, nguy cơ cháy tài khoản đang hiện hữu.
... đến bán chui, bất tín
Liên tiếp thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán cũng xử phạt “mỏi tay” hàng loạt lãnh đạo về hành vi này. Ngày 9.3, xử phạt 15 triệu đồng đối với ông Võ Đắc Thiệu, thành viên HĐQT CTCP đại lý giao nhận vận tải, xếp dỡ Tân Cảng (mã TCL). Ông Thiệu không báo cáo về việc dự kiến giao dịch mua hơn 26.000 cổ phiếu TCL.
Trước đó, ông Võ Anh Thái, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần dầu khí Thái Dương (mã chứng khoán TDG), cũng bị xử phạt 27,5 triệu đồng. Ông Thái đã đăng ký mua vào 1 triệu cổ phiếu TDG, tương đương 7,7% vốn cổ phần công ty mà không thông báo đúng quy định.
Với mức giá 250.000 đồng, cao hơn cả cổ phiếu của Vinamilk (VNM) hay VIC, VHM của Vingroup, YEG thực sự tạo ra cú sốc lớn. Nhưng ngay sau khi lên sàn, ông Nguyễn Ảnh Nhượng Tống, Chủ tịch Yeah1, bị Ủy ban Chứng khoán phạt 65 triệu khi đã nhận chuyển nhượng 7.820.000 cổ phiếu YEG. Đồng thời, cùng ngày, ông Tống đã chuyển nhượng 7.820.000 cổ phiếu YEG nêu trên nhưng không báo cáo về việc dự kiến giao dịch.
Cần tăng mức phạt
Luật sư Trương Thanh Đức, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH luật Basico, cho rằng bán chui, thổi giá là hành vi trục lợi, thao túng cần phải xử phạt nặng để bảo vệ các nhà đầu tư. Luật Chứng khoán sửa đổi tới đây phải tăng mức phạt lên vài tỉ đồng, thay vì mấy trăm triệu như hiện nay, do nguồn lợi thu được của những người đầu cơ quá lớn. “Nhưng cái án nặng nhất đối với doanh nghiệp là sự quay lưng, tẩy chay của nhà đầu tư”, luật sư Đức bình luận.
|
Bình luận (0)