Lazada Việt Nam và kế hoạch ‘khủng’ đến năm 2020

23/03/2017 09:15 GMT+7

Có mặt từ năm 2012, đến năm 2014, trang Thương mại điện tử (TMĐT) Lazada đã trở thành một trong những trang TMĐT hàng đầu Việt Nam.

Chưa dừng lại ở đó, “ông lớn” TMĐT Đông Nam Á còn có nhiều tham vọng chinh phục sân chơi TMĐT như thu về 100 triệu đô la trong ngày Cách mạng mua sắm trực tuyến 11.11.2020.‎

Việt Nam là một trong những thị trường TMĐT tiềm năng nhờ vào quy mô dân số, sự phát triển của internet cũng như sự gia tăng tỷ lệ người sử dụng thiết bị di động thông minh. Cục TMĐT, Bộ Công thương đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, TMĐT bán lẻ đạt 10 tỉ USD, chiếm tỷ trọng 5% tổng mức bán lẻ hàng hóa cả nước. Trong khi đó, Lazada đặt ra hẳn mục tiêu 80% người mua sắm trực tuyến sử dụng dịch vụ của Lazada vào năm 2020.

Với mục tiêu to lớn này, doanh nghiệp đứng đầu thị trường TMĐT Việt Nam, Lazada phải có những phương án phát triển phù hợp để một mặt tiếp tục phá vỡ những rào cản như niềm tin người tiêu dùng, dịch vụ giao nhận, thanh toán, hậu cần… một mặt đưa TMĐT trở thành hình thức mua sắm ưa chuộng, phổ biến nhất tại Việt Nam trong thời gian sắp tới.

Những bước đi tiên phong của người dẫn đầu

Vừa qua, Lazada tiếp tục đưa ra mục tiêu phát triển vào năm 2020 theo hướng mở rộng chiều ngang lẫn bề sâu. Cụ thể, Lazada đặt ra kỳ vọng có thể thu về 100 triệu đô la trong ngày Cách mạng mua sắm trực tuyến 11.11.2020, hợp tác với 100.000 nhà bán hàng với tất cả thương hiệu. Riêng trong năm 2017, những con số này lần lượt là 6,6 triệu đô la, 6.500 nhà bán hàng và 327 thương hiệu.

Ông Alexandre Dardy, CEO Lazada Việt Nam phát biểu tại họp báo kỷ niệm 5 năm Lazada

Bên cạnh đó, doanh nghiệp này sẽ tiếp tục mở rộng mạng lưới giao nhận, mở thêm 5 nhà kho mới để có thể xử lý lượng đơn hàng khủng cũng như rút ngắn thời gian giao hàng tối đa, còn khoảng 2,3 ngày, đồng thời ra mắt dịch vụ P2P, phối hợp với AhaMove cho dịch vụ giao hàng hỏa tốc chỉ trong vòng 1 giờ. Trong một thị trường TMĐT có xu hướng phát triển cực nhanh tại Việt Nam hiện nay, Lazada nhận ra hệ thống phân phối có thể trở thành nút thắt cổ chai nếu không được đầu tư đúng đắn. Do đó, Lazada đang nỗ lực để trở thành đơn vị logistic số 1 trong ngành TMĐT.

Mặt khác, ngoài việc tiếp tục đảm bảo chất lượng cũng như nguồn gốc sản phẩm thông qua việc hợp tác với các doanh nghiệp, nhà bán lẻ uy tín, sắp tới, Lazada sẽ ra mắt công cụ kết nối giữa người bán và người mua cho phép người tiêu dùng trao đổi trực tiếp với nhà bán hàng, đồng thời thành lập trung tâm sửa chữa và bảo hành Lazada. Lazada cũng sẽ mở rộng khách hàng ở khu vực nông thôn chứ không chỉ tập trung ở TP.HCM hay Hà Nội.

Bên cạnh đó, Lazada vẫn tích cực hỗ trợ doanh nghiệp tại Việt Nam tiếp cận TMĐT để có thể “win-win” khi tham gia vào sàn giao dịch TMĐT. Ông Alexandre Dardy - Giám đốc Điều hành Lazada Việt Nam cho biết: “Chúng tôi sẵn sàng đào tạo và cung cấp công cụ để nhà bán hàng tự chủ động điều tiết hoạt động kinh doanh của mình trên Lazada như điều chỉnh giá, khuyến mãi, quà tặng. Đến cuối năm 2017, Lazada sẽ là nền tảng mở và mỗi đối tác sẽ được cung cấp tài khoản để tiếp cận được thông tin về hành vi khách hàng và thói quen mua sắm, từ đó có thể thiết kế chương trình chiêu thị riêng cho nhu cầu của từng nhóm người tiêu dùng khác nhau trên Lazada”.

Có thể nói, đóng vai trò như nhân tố thúc đẩy thị trường TMĐT Việt Nam, Lazada gần như bung sức ở mọi “mặt trận”, hứa hẹn những bứt phá mới trong năm 2020. Sẽ có thất bại và thành công, song không ai khác ngoài người tiêu dùng sẽ được lợi nhiều nhất.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.