Lo ngại chữ ký số bị lợi dụng

20/10/2018 10:47 GMT+7

Nhiều doanh nghiệp có ý kiến lo ngại chữ ký số để nộp thuế điện tử nếu được dùng cho các hoạt động khác rất khó an toàn.

Tại Hội nghị triển khai nộp thuế điện tử qua ngân hàng và thông quan 24/7 do Cục Hải quan TP.HCM phối hợp Ngân hàng BIDV tổ chức tại TP.HCM hôm qua (19.10), nhiều doanh nghiệp (DN) có ý kiến lo ngại chữ ký số để nộp thuế điện tử nếu được dùng cho các hoạt động khác rất khó an toàn.
Bởi DN có thể sử dụng “user” và chữ ký số có sẵn để kê khai hải quan hằng tháng trên hệ thống thông quan tự động. Với cách làm này, sau khi lệnh thanh toán thành công, khách hàng có thể thông quan hàng hóa ngay lập tức.
Đại diện Công ty TNHH thời trang và mỹ phẩm A.C thắc mắc, chữ ký số dùng để nộp thuế điện tử rồi, khi khai báo hải quan có nên làm chữ ký số khác không? Bởi thực tế, chữ ký số chỉ nên cho một người biết hoặc người chịu trách nhiệm cao trong công ty nắm. Song khi làm các thủ tục hải quan, DN phải giao cho nhân viên hoặc đại lý làm thay, vậy xác suất bị lợi dụng rất cao.
Đại diện Cục Hải quan TP.HCM cảnh báo, thực tế đã xảy ra tình trạng nhân viên đại lý hải quan hay người khai thuế hải quan lợi dụng chữ ký số của DN để thực hiện nhập và xuất khẩu hàng hóa cấm, hoặc dùng làm việc gì đó mà pháp luật không cho phép. "Thanh toán điện tử DN nên sử dụng một chữ ký số riêng ngoài chữ ký số đã đăng ký đóng thuế xuất nhập khẩu và ngành không hạn chế việc đăng ký chữ ký số”, ông Nguyễn Quốc Toản, Phó trưởng phòng Thuế xuất nhập khẩu - Cục Hải quan TP.HCM nói.
Ngoài ra, ông Nguyễn Hữu Nghiệp, Phó cục trưởng Cục Hải quan TP.HCM cũng thông tin thêm, ngành hải quan sẽ mở rộng phương thức thu nộp thuế điện tử và thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu 24/7 trong năm 2019 và đến nay đã có 39 ngân hàng thương mại tham gia cùng hải quan thu thuế điện tử này.
Bà Nguyễn Thị Thanh Hương, Phó trưởng phòng Cục Thuế xuất nhập khẩu - Tổng cục Hải quan cho rằng, việc quản lý chữ ký số là trách nhiệm của DN như chính con dấu của DN. Quan trọng là người duyệt lệnh, thường chính chủ DN hoặc người chịu trách nhiệm duyệt chi. Tuy nhiên, để bảo vệ DN, sắp tới ngành hải quan cũng sẽ cấp hai “user” cho DN, một cho lập lệnh và một cho người duyệt lệnh để DN linh động hơn. Bổ sung cho ý này, đại diện phía ngân hàng cũng cho biết, mật khẩu xác nhận chữ ký số OTP (mật khẩu một lần) được gửi về cho khách hàng qua số điện thoại hay email đăng ký cũng phải là số và email của người quyết định việc nộp thuế nhằm tránh rủi ro tối đa cho DN.
Ngoài ra, về thực trạng thu và quản lý thuế xuất nhập khẩu qua cổng điện tử, báo cáo trong đề án nộp thuế điện tử và thông quan 24/7 của Tổng cục Hải quan, tuy tỷ lệ nộp tiền thuế điện tử trong gần 3 năm qua đạt 90%, song các tổ chức tín dụng vẫn chưa hỗ trợ người nộp thuế chuyển tiền ngoài giờ giao dịch được. Thế nên, các đơn vị hải quan phải bố trí nhân lực để phục vụ từ hệ thống thu điện tử và truyền online đến cổng thanh toán điện tử hải quan. Với đề án phối hợp thu và thông quan 24/7, theo đại diện Cục Công nghệ thông tin, nếu ngân hàng đã báo nợ tài khoản của DN rồi, hải quan sẽ hạch toán trên ngày báo nợ chứ không hạch toán trên ngày báo có của kho bạc. Nghĩa là ngay khi được ngân hàng thông báo đã cắt tiền cho DN này rồi, bất kỳ thời điểm nào, hải quan áp thông quan ngay, không chờ đến khi tiền vào kho bạc báo mới thông quan.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.