Vấn đề được nhiều thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội quan tâm vẫn là cơ chế chia sẻ tăng, giảm doanh thu đối với các doanh nghiệp (DN) đầu tư dự án PPP.
Là người chủ trì phiên thảo luận, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển khẳng định ông đồng tình là phải chia sẻ rủi ro với DN, song phải xác định rõ rủi ro tới mức độ nào thì nhà nước mới cần can thiệp, hỗ trợ chứ không thể hỗ trợ khi DN giảm doanh thu như dự thảo luật.
“Nếu nhà nước chia sẻ rủi ro khi DN giảm doanh thu thì nguy hiểm. Không cẩn thận thì nhà nước thành con nợ. Nhất là khi không xác định chặt chẽ giá ban đầu. Rộng tay một chút thì sẽ rất khó khăn cho ngân sách nhà nước”, ông Hiển nói và đề nghị nhà nước chỉ chia sẻ rủi ro khi DN lỗ, mất vốn, còn giảm doanh thu là rủi ro khi đầu tư, DN phải chấp nhận chứ không thể đòi hỏi nhà nước chia sẻ. “Tôi không đồng ý với việc chia sẻ rủi ro khi giảm doanh thu”, ông Hiển nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội Nguyễn Đức Hải cũng nêu quan điểm: nhà nước không nên bao sân quá nhiều. “Anh đầu tư thì anh phải tính toán. Nhà nước có trách nhiệm nhưng chủ đầu tư cũng phải có trách nhiệm”, ông Hải nhấn mạnh. Tương tự, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Quốc hội Lê Thị Nga cho rằng, DN khi tham gia đầu tư bị giảm doanh thu lại được nhà nước chia sẻ rủi ro thì “không ổn”.
Theo dự thảo luật Đầu tư, nhà nước sẽ chia sẻ với nhà đầu tư, DN dự án PPP 50% phần giảm thu giữa doanh thu thực tế và doanh thu cam kết tại hợp đồng đối với dự án PPP. Các loại hợp đồng áp dụng bao gồm: BOT, BTO, BOO. Điều kiện chia sẻ rủi ro là khi quy hoạch, chính sách, pháp luật có liên quan thay đổi làm doanh thu thực tế thấp hơn mức doanh thu cam kết tại hợp đồng. Đồng thời, khi đã thực hiện đầy đủ các biện pháp điều chỉnh mức giá, phí sản phẩm, dịch vụ hoặc điều chỉnh thời hạn hợp đồng PPP theo quy định, mà vẫn chưa bảo đảm được mức doanh thu quy định.
Bình luận