Lợi nhuận Vietcombank có thể vượt 13.000 tỉ đồng

05/12/2017 08:00 GMT+7

Theo đánh giá của các công ty chứng khoán với kết quả kinh doanh thuận lợi, cùng việc thoái vốn tại các tổ chức tín dụng lợi nhuận trước thuế của Vietcombank có thể đạt 13.046 tỉ đồng trong năm 2018.

Đây là mức mà hiện chưa có nhà băng nào đạt được.
Phân tích của CTCP chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho thấy, Vietcombank tiếp tục đà tăng trưởng mạnh mẽ trong quý 3/2017 ở mức cao so với các doanh nghiệp cùng ngành trên các chỉ số chính. Tổng tài sản tăng 14% so với đầu năm, đạt 898 tỉ đồng, vượt kế hoạch tăng trưởng 11% trong năm 2017 và cao hơn mức tăng trưởng ngành là 12,16%.
SSI tính toán, với sự tăng trưởng mạnh mẽ của tiền gửi và các công cụ tiền gửi khác, hệ số LDR đã giảm từ 80,7% trong 6 tháng 2017 xuống còn 78,1% trong quý 3.
Lũy kế 9 tháng 2017, lợi nhuận trước thuế đạt 7.934 tỉ đồng, tăng 25,4% so với cùng kỳ năm ngoái, với tất cả các phân khúc kinh doanh đều đạt tăng trưởng mạnh mẽ. Vietcombank hoàn thành 86% kế hoạch năm và duy trì được thành tích xuất sắc từ nửa đầu năm nay.
Cho vay cá nhân vẫn là động lực tăng trưởng chính của Vietcombank với mức tăng mạnh 35% so với đầu năm, chủ yếu cho vay thế chấp và cho vay kinh doanh hộ gia đình. Vietcombank cũng tăng cho vay dài hạn (19%) với phần lớn các khoản cho vay thế chấp là cho vay trong trung và dài hạn.
SSI đánh giá, ngân hàng này vẫn có cơ hội tăng trưởng tín dụng dài hạn, với tỷ lệ sử dụng cho vay ngắn hạn cho vay trung, dài hạn ở mức 34 - 35% trong quý 3/2017, tăng từ 31% trong nửa đầu năm 2017, vốn vẫn thấp hơn nhiều so với mức trần là 50%. Do đây là hai phân khúc có mức tăng trưởng tín dụng mạnh nhất và có biên lợi nhuận lớn hơn, thu nhập từ lãi đã tăng 23% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi tín dụng tăng trưởng mạnh, tổng nợ xấu của ngân hàng cũng giảm 10,8% kể từ đầu năm xuống còn 6.182 tỉ đồng, dựa trên chiến lược quản lý tài sản thận trọng của ngân hàng.
Tính đến thời điểm hiện tại, ngân hàng đã trích lập dự phòng ròng 4.507 tỉ đồng và xóa nợ xấu để giảm tỷ lệ nợ xấu xuống còn 1,15%, thấp hơn nhiều so với mức 1,51% vào cuối năm 2016. Các khoản nợ nhóm 2 giảm 27,4% về giá trị, chiếm 1,07% tổng dư nợ. Tuy nhiên, tỷ lệ bao nợ xấu (dự phòng nợ xấu trên tổng nợ xấu) được cải thiện đáng kể, tăng từ 117,1% năm 2016 lên 164,8% vào quý 3 năm 2017, mức cao nhất từng được ghi nhận trong ngành ngân hàng Việt Nam.
Thoái vốn thu lãi khủng
Trong khi đó, theo CTCP chứng khoán TP.HCM (HSC), Vietcombank đã và đang còn sở hữu tại 5 tổ chức tín dụng, bao gồm Công ty tài chính xi măng (CFC) và 4 ngân hàng thương mại là SaigonBank, OCB, MBBank và Eximbank.
Ngày 20.11 vừa qua, Vietcombank đã thoái vốn thành công khỏi SaigonBank và công ty tài chính xi măng, thu về khoản lãi hơn 148 tỉ đồng. Tổng lượng cổ phiếu SaigonBank được Vietcombank chào bán là hơn 13,25 triệu đơn vị, tương đương 4,3% vốn cổ phần SaigonBank, với giá khởi điểm 12.550 đồng/cổ phần.
Với giá đấu thành công lên tới 20.100 đồng/cổ phần, hơn 60% giá khởi điểm, trong khi giá vốn Vietcombank mua vào trước đây chỉ là 9.316 đồng/cổ phần, thương vụ này đã mang về cho Vietcombank không dưới 143 tỉ đồng tiền lãi. Còn 6,6 triệu cổ phần sở hữu tại Công ty tài chính xi măng, tương đương 10,91% vốn cổ phần, Vietcombank đã thu lãi trên 5 tỉ đồng.
Theo HSC, Vietcombank sẽ tiếp tục thoái vốn khỏi OCB (theo kế hoạch là trong năm 2017), MBBank và Eximbank trong tháng 1.2018. Công ty chứng khoán này cũng đưa ra tính toán, tiền lãi từ việc thoái vốn khỏi 5 tổ chức tín dụng này sẽ mang về cho Vietcombank không dưới 2.450 tỉ đồng. Trong đó, khoảng 250 tỉ đồng nhiều khả năng sẽ được hạch toán vào năm 2017, giúp kết quả lợi nhuận của nhà băng tăng hơn 2,3%.
Hơn 2.200 tỉ đồng sẽ được Vietcombank hạch toán vào lợi nhuận trước thuế năm 2018, dự báo sẽ tăng gần 17%. Hiện Vietcombank còn nắm 7,91% vốn tại MBBank; 8,19% vốn tại Eximbank và 4,72% vốn tại OCB.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.