Lương doanh nghiệp nhà nước cao nhất

06/12/2016 06:14 GMT+7

Các doanh nghiệp vốn nhà nước đang dẫn đầu về mức trả lương cho cán bộ nhân viên trên thị trường, bỏ xa khối tư nhân và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Doanh nghiệp FDI lương thấp nhất
Không tính đến các cấp quản lý, theo báo cáo của Tổng công ty hàng không VN (Vietnam Airlines), tiền lương bình quân của người lao động năm 2015 tăng từ 12% đến 25% so với năm 2014. Trong đó, thu nhập bình quân của phi công là 101 triệu đồng/tháng, tiếp viên là 22,6 triệu đồng/tháng và các lao động khác là 14,2 triệu đồng/tháng. Cho đến thời điểm hiện tại, mức lương của nghề phi công là con số đáng mơ ước đối với nhiều người.
Tuy nhiên, đây là một nghề đặc biệt và để trở thành phi công, những người này đều phải trải qua một quá trình khá dài và khắc nghiệt để rèn luyện nghề với các yêu cầu về độ tập trung và trình độ cao. Do vậy, ngoài số nhân sự có lương “khủng” như trên, thu nhập bình quân tại Vietnam Airlines không phải là cao nhất trên thị trường. Ví dụ, tại Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC), năm 2015 nhân viên có thu nhập trung bình khoảng 37 triệu đồng, cao hơn mức 30,4 triệu đồng/tháng của năm trước đó. Hay tại công ty mẹ Tập đoàn dầu khí VN, thu nhập bình quân đạt 32 triệu đồng; Tập đoàn bưu chính viễn thông VN có thu nhập bình quân 17,6 triệu đồng/tháng; Tập đoàn viễn thông quân đội (Viettel) có lương bình quân ở mức cao lên tới 30,5 triệu đồng và đặt mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020 tăng thu nhập bình quân nhân viên lên 40 - 50 triệu đồng mỗi tháng...
Những con số nêu trên không khác với kết quả khảo sát được thực hiện cuối năm 2015 của Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội ở hơn 2.000 doanh nghiệp (DN) thuộc nhiều loại hình kinh tế khác nhau. Theo đó, mức tiền lương bình quân năm 2015 ước đạt 5,53 triệu đồng/người/tháng, tăng khoảng 8% so với năm 2014. Dẫn đầu là thu nhập của người lao động tại DN 100% vốn nhà nước đạt 7,04 triệu đồng/tháng, tăng 8% so với năm 2014. Lần lượt tiếp theo là thu nhập của lao động tại khối DN tư nhân đạt 4,99 triệu đồng/tháng (tăng 6%); DN vốn FDI đạt 5,47 triệu đồng/tháng (tăng 9%).
Nếu xét riêng khoảng 31 công ty mẹ thuộc các tập đoàn, tổng công ty thuộc các bộ ngành trung ương thì tiền lương bình quân của người lao động năm 2014 là 12,73 triệu đồng/tháng, năm 2015 ước đạt 13,15 triệu đồng/tháng, tăng 3% so với năm 2014. Bên cạnh đó, tiền lương bình quân của viên chức quản lý chuyên trách năm 2014 là 41,33 triệu đồng/tháng, năm 2015 ước đạt 42,55 triệu đồng/tháng, tăng 2,95% so với năm 2015. Có thể thấy, những năm gần đây, lương thưởng ở các tập đoàn, tổng công ty, DN của nhà nước luôn ở mức cao, tăng nhanh so với thị trường.


Theo Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội, Tết Nguyên đán năm 2015 người có mức thưởng cao nhất là 482 triệu đồng/người; người có mức thưởng thấp nhất là 50.000 đồng/người. Còn mức thưởng tết năm 2016 tại TP.HCM cao nhất là của DN trong nước lên tới 600 triệu đồng.

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển nhận xét, nhìn bảng lương có nhiều quan ngại. Thứ nhất, có những DN nhà nước hoạt động không hiệu quả lắm nhưng lại có ưu thế gần như độc quyền ví dụ như điện, viễn thông, cầu đường... nên hình thành mức lương rất cao. Thứ hai, sau nhiều năm chúng ta thu hút vốn FDI thì rất nhiều dự án thâm dụng lao động, giản đơn, lắp ráp và khi tính lương bình quân lại thấp hơn nhiều DN khác.
Y tế và bất động sản “chịu chi”
Ngoài khối DN nhà nước, trên thị trường hiện nay một số ngành nghề đã vươn lên thu hút lao động thông qua chính sách lương bổng đãi ngộ khá tốt. Theo báo cáo lương năm 2016 của Công ty việc làm JobStreet.com VN dựa trên hơn 50.000 mẩu tin tuyển dụng trong năm 2015 và 2016, ngành y tế và bất động sản (BĐS) có mức lương vượt trội và dẫn đầu trong top 10 ngành nghề được trả lương cao nhất. Hai ngành đó đều trả mức lương cao cho hầu hết các cấp bậc, từ sinh viên mới tốt nghiệp đến nhân viên có kinh nghiệm, quản lý và quản lý cấp cao. Cụ thể, trong top 10 ngành nghề được trả lương cao nhất ở cấp bậc nhân viên mới ra trường, ngành BĐS dẫn đầu với mức lương hơn 8,7 triệu đồng/tháng, ngành y tế đứng ở vị trí thứ hai với mức lương hơn 8,6 triệu đồng/tháng. Còn ở cấp bậc nhân viên có từ 1 - 3 năm kinh nghiệm, ngành y tế đứng ở vị trí đầu tiên với mức lương hơn 16,3 triệu đồng, ngành BĐS giữ vị trí thứ 5 với mức lương hơn 9,4 triệu đồng. Riêng cấp bậc quản lý, ngành dược và BĐS cũng giữ hai vị trí đầu bảng với mức lương lần lượt là hơn 30,3 triệu đồng và hơn 27,8 triệu đồng. Đặc biệt, ở cấp bậc quản lý cấp cao, ngành BĐS giữ vị trí cao nhất với mức lương cao ngất ngưởng là 129,5 triệu đồng, vượt trội hơn hẳn so với vị trí thứ hai là ngành tiếp thị/phát triển kinh doanh đạt bình quân hơn 66 triệu đồng. Lương các quản lý cấp cao cũng tăng mạnh đến 53% so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy phân khúc nhân sự cấp cao đang có sự thiếu hụt khá lớn tại thị trường VN.
Bà Angie SW Phang, Tổng giám đốc JobStreet.com VN, nhận định: Nhân viên ngành BĐS không chỉ được hưởng mức lương cố định mà còn có các khoản hoa hồng hấp dẫn. Vì vậy, những người hoạt động trong lĩnh vực này, đặc biệt là những người có kỹ năng thuyết phục tốt, sẽ dễ dàng có được mức thu nhập cao. Bên cạnh đó, thực trạng nhiều gia đình Việt khá giả sẵn sàng chi trả một số tiền lớn để khám và chữa trị ở nước ngoài cũng cho thấy sự thiếu hụt đáng kể nhân lực trong ngành y tế ở thị trường VN.
Đáng chú ý, nếu như ở nhiều năm trước, nhân viên ngành ngân hàng tài chính luôn được xem là có thu nhập cao thì điều này đã không còn nữa. Khảo sát của JobStreet.com cho ra kết quả mức lương trung bình của nhân viên ngành này hiện chỉ còn hơn 6,8 triệu đồng/tháng, riêng nhân viên mới tốt nghiệp chỉ có trung bình 5 triệu đồng/tháng. Đối với trưởng nhóm thì lương bình quân đạt 9,8 triệu đồng/tháng… Trong khi đó, nhân sự ngành công nghệ thông tin/phần mềm luôn được các công ty săn đón khi mức lương chi trả hậu hĩnh hơn mặt bằng chung của nhiều ngành. Cụ thể, nhân viên bình quân có lương hơn 9,2 triệu đồng/tháng trong khi quản lý bình quân gần 22 - 33 triệu đồng/tháng.
Theo TS Bùi Quang Tín, Khoa Quản trị kinh doanh Trường ĐH Ngân hàng TP.HCM, lương và thu nhập của nhân viên ngành ngân hàng hay chứng khoán đã sụt giảm mạnh trong nhiều năm qua. Nguyên nhân chính là do lợi nhuận ở các ngân hàng bị giảm mạnh. Đặc biệt ở khoảng 20 ngân hàng nhỏ thì lợi nhuận ngày càng teo tóp vì phải trích lập dự phòng nợ xấu... “Lương của ngành ngân hàng không còn hấp dẫn cũng khiến cho sinh viên dự tuyển và vào học ở các trường và khoa ngân hàng giảm dần qua các năm. Thậm chí sau 3 học kỳ đầu tiên, số lượng sinh viên đăng ký vào chuyên ngành ngân hàng ở các trường này cũng ít hơn hẳn vào các ngành khác”, TS Bùi Quang Tín chia sẻ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.