Mẹo tiết kiệm điện trong mùa nắng

05/05/2020 17:15 GMT+7

Tại buổi tọa đàm trực tuyến về giá điện, tiền điện do báo Thanh Niên tổ chức chiều 5.5, rất nhiều câu hỏi của bạn đọc thắc mắc vì sao tiền điện tăng ngoạn mục ngay cả khi sử dụng điện không thay đổi.

Trước những bức xúc của bạn đọc về tiền điện, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực, Tập đoàn điện lực Việt Nam (EVN) và các công ty điện lực thành viên đã trả lời thẳng thắn, cụ thể và chỉ ra những “thủ phạm giấu mặt” đẩy giá điện tăng cao ngoài khả năng kiểm soát của người sử dụng.

Hãy lưu ý máy điều hòa và nhiệt độ ngoài trời

Nói về việc hóa đơn nhiều hộ tăng vọt trong tháng 4, ông Nguyễn Việt Dũng - Viện trưởng Viện Khoa học và Công nghệ nhiệt - lạnh (ĐH Bách khoa Hà Nội) đã “điểm mặt” 2 tác nhân là quạt máy / máy điều hòa và nhiệt độ ngoài trời.
Trong 3 tháng 4, 5, 6, cả nước vào mùa cao điểm nắng nóng. Khi nhiệt độ ngoài trời tăng, chúng ta thường sử dụng quạt máy, máy điều hòa nhiều hơn và những thiết bị này tiêu thụ điện rất lớn. Theo ghi nhận của ngành điện, tiêu thụ điện của máy lạnh chiếm khoảng 28 - 64% lượng điện của một hộ, có hộ lên tới 80%. Đặc biệt, tháng 4 cũng là tháng giãn cách xã hội, hầu hết mọi người ở nhà nên sử dụng điều hòa hoặc quạt máy nhiều hơn.
Ngay cả khi việc sử dụng điện không tăng thì nhiệt độ ngoài trời vẫn đẩy lượng điện năng tiêu thụ lên. Cụ thể, cứ nhiệt độ ngoài trời tăng lên 1 độ C thì tiêu thụ điện của máy điều hòa tăng 2 - 3% tùy loại. Nếu nhiệt độ tăng lên 5% thì lượng điện tiêu thụ tăng 10%. Bên cạnh đó, cứ hạ thêm 1 độ C trong phòng thì máy điều hòa lại tiêu tốn thêm 1,5 - 2% lượng điện tiêu thụ.
“Ví dụ như ở nhà tôi, tháng 3 do trời còn lạnh nên nhà tôi dùng khoảng 200 số (kWh) điện, tiền điện 390.000 đồng. Tới tháng 6 trời nóng, con gái tôi nghỉ hè dùng nhiều điện hơn, lên 563 số, quy ra tiền khoảng 1,4 triệu đồng. Chênh lệch tới gần 4 lần. Rõ ràng thời tiết ảnh hưởng rất lớn đến tiêu thụ điện”, ông Dũng chia sẻ thêm.
Ông Nguyễn Văn Lý, Phó tổng giám đốc Tổng công ty điện lực miền Nam, thừa nhận thời gian qua có nhiều khách hàng khiếu nại tại sao hóa đơn tiền điện tháng 4 tăng cao hơn tháng 3. Chúng ta đều biết, hóa đơn tháng 3 chính là điện năng tiêu thụ của tháng 2. Còn hóa đơn tháng 4 là điện năng tiêu thụ trong tháng 3, trễ đi 1 chu kỳ. Số ngày tháng 2 chỉ 29 ngày nhưng tháng 3 là 31 ngày. 2 ngày chênh lệch ghi điện chiếm gần 7% trong tổng lượng điện tiêu thụ, cộng thêm tháng 4 nhiệt độ tăng cao.
Trước thắc mắc là công tơ điện có chạy chính xác hay không, ông Lý khẳng định các công tơ điện tử khi được sử dụng phải qua đăng ký, kiểm định mẫu theo đúng quy trình của Tổng cục Đo lường chất lượng Việt Nam và hằng năm tổng công ty đều phải chịu kiểm tra từ các đơn vị đo lường tại các tỉnh thành.

Đừng quên biểu giá điện bậc thang

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực cho biết hiện khoảng 60 - 70% sản lượng điện mà người dân sử dụng được sản xuất từ các nguồn nhiên liệu hóa thạch, không tái tạo được nên việc áp dụng biểu giá điện bậc thang sẽ khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm. “Hầu hết các nước xung quanh Việt Nam như Thái Lan, Indonesia, Lào, Campuchia, hay những nước phát triển như Nhật, Mỹ... đều áp dụng biểu giá bậc thang đối với khách hàng. Biểu giá này phù hợp với việc huy động nguồn điện có nhiều mức giá từ thấp đến cao và khuyến khích người dân ý thức sử dụng điện cách tiết kiệm nhất và hiệu quả nhất”, ông Tuấn nói.
Sau lần điều chỉnh giá điện vào ngày 22.3.2019, giá điện đến nay vẫn được tính theo 6 bậc với tỷ lệ tăng hơn 8% theo mỗi bậc, bắt đầu từ 0 – 50 kWh. Như vậy, điện năng tiêu thụ càng vượt qua nhiều bậc thì tiền điện càng tăng vọt. Cụ thể, bậc 1 giá chỉ 1.549 đồng/kWh, nhưng bậc 6 giá lên đến 2.701 đồng/kWh, tức gần gấp đôi.

Giá điện sau khi tăng từ ngày 22.3.2019

Ông Nguyễn Quốc Dũng, Trưởng ban Kinh doanh EVN TP.HCM, bổ sung: “Bình quân sử dụng điện năm 2018 chỉ là 179 kWh/tháng nhưng đến 2019 số tiêu thụ trung bình tăng lên 185 kWh/hộ. Trong 1 năm đã tăng lên 11 số điện và đây là con số rất lớn. Vì vậy, việc áp dụng biểu giá điện bậc thang là cần thiết để khuyến khích người dân sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả hơn”.
Ở một góc độ khác, ông Nguyễn Quốc Dũng giải thích chúng ta dùng điện càng nhiều thì càng phát thải nhiều khí nhà kính, gây tác động lớn làm biến đổi khí hậu nên việc tính điện theo giá bậc thang ngoài chuyện tiết kiệm năng lượng còn là bảo vệ môi trường. Nếu bạn dùng điện nhiều, gây ảnh hưởng đến môi trường nhiều thì phải trả giá cao là điều hợp lý.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.