Xà lách Đà Lạt 4.000 đồng/kg, về TP.HCM 40.000 đồng/kg
Sáng sớm 8.9, trên nhóm ngành lương thực thực phẩm TP.HCM, anh Nguyễn Văn Bình là hội viên Hội Doanh nghiệp Q.5 (TP.HCM) nhắn tin nhờ mọi người “giải cứu” giúp bà con ở Tây Ninh 100 tấn nhãn da bò đang vào vụ thu hoạch. Anh Bình cho biết, do cửa khẩu đường bộ xuất nhãn từ Tây Ninh sang Campuchia bị đóng vì phòng chống dịch, nên đến vụ thu hoạch, các nhà nông không bán hàng được. Giá sỉ bao luôn phí vận chuyển từ Tây Ninh về TP.HCM là 12.500 đồng/kg nếu mua 100 kg, 11.500 đồng/kg nếu mua 500 kg và 11.000 đồng/kg nếu mua 1.000 kg… Anh Bình cho biết thêm: “Nếu anh chị nào có xe vào đến tận vườn, giá có thể giá rẻ hơn nữa, chỉ khoảng 9.000 đồng/kg”. Như vậy, phí vận chuyển mỗi ký nhãn cho đoạn đường 100 cây số từ Tây Ninh về TP.HCM hết 2.000 - 3.500 đồng/kg. Thế nhưng giá bán lẻ nhãn da bò tại TP.HCM ngày 8.9 cao gấp 4 lần so với giá nhà vườn, từ 40.000 - 45.000 đồng/kg.
|
Với các loại rau củ quả, giá từ nhà vườn đến tay người tiêu thụ còn chênh lệch kinh khủng hơn. Cũng trên nhóm kết nối lương thực thực phẩm TP.HCM, ngày 8.9, chị Lê Trinh cũng thông tin nhờ “giải cứu” 40 tấn khoai tây Đà Lạt của một nhà vườn đang vào mùa thu hoạch với giá bán sỉ giao hàng tại nhà là 17.000 đồng/kg. Tương tự, chị Tăng Thị Hồng (Vĩnh Long) cũng cho biết địa phương đang cần giải cứu các loại rau ăn lá với số lượng 1.000 kg trở lên, cước vận chuyển về TP.HCM 1.000 đồng/kg. Theo đó, đậu bắp giá 8.000 đồng/kg, mồng tơi 8.000 đồng/kg, bồ ngót 7.500 đồng/kg, cải nhún 7.000 đồng/kg, dưa leo 9.000 đồng/kg, mướp 9.000 đồng/kg. Thế nhưng giá bán lẻ đến tay người dùng từ trong siêu thị cho đến chợ online lại đội lên trời với giá đậu bắp 33.000 đồng/kg, mồng tơi 34.000 đồng/kg, cải nhún 35.000 đồng/kg, cao hơn gấp 4 lần.
Bà Nguyễn Thị Hiếu (chủ vựa rau củ tại Đà Lạt) thông tin: Giá các loại rau ăn lá như xà lách, tần ô, bó xôi, rau cần… đã làm sạch chỉ 3.000 - 4.000 đồng/kg (trước 6.000 - 8.000 đồng); bắp cải, cà rốt, lơ xanh… 7.000 - 8.000 đồng/kg, cà chua 4.000 - 5.000 đồng/kg (trước 8.000 đồng/kg). Nếu tính luôn giá cước vận chuyển, rau củ Đà Lạt chở về TP, giao tận nhà bao gồm cước phí rồi cũng chỉ 6.000 - 11.000 đồng/kg, trong khi giá bán lẻ tại TP.HCM lên đến 30.000 - 40.000 đồng/kg, cao gấp 4 - 5 lần.
|
Heo hơi rớt giá, heo thịt vẫn tăng gấp đôi
Có một thực tế là suốt 2 tháng qua, hầu hết các mặt hàng nông sản nào đến vụ thu hoạch đều bị rớt giá. Thanh long ở Tiền Giang giá bán tại ruộng 2.500 - 4.000 đồng/kg, bán lẻ tại TP.HCM 17.000 - 20.000 đồng/kg; bưởi da xanh Bến Tre rớt giá 25.000 đồng/kg, cùng thời điểm, giá bán tại TP.HCM là 55.000 đồng/kg. Thịt heo giải cứu tại Đồng Nai giá 100.000 đồng/kg, lên TP.HCM giá 180.000 - 230.000 đồng/kg. Đáng nói, giá heo hơi từ đầu đợt bùng phát dịch lần thứ 4 đến nay giảm đến 20.000 đồng, từ 70.000 đồng xuống 50.000 đồng/kg, tuy nhiên, giá bán lẻ thịt heo đến tay người dân chưa hề giảm một đồng nào. Thậm chí, vào những ngày các chợ đầu mối Hóc Môn, Bình Điền đóng cửa, giá thịt heo còn tăng đến chóng mặt. Tôm nuôi tại Long An, Tiền Giang giá 110.000 - 120.000 đồng/kg, cùng loại bán tại TP.HCM 240.000 - 250.000 đồng/kg; cua Cà Mau 220.000 đồng/kg, giá lên TP giá 380.000 đồng/kg...
Không chỉ với thực phẩm tươi sống, ngay thực phẩm khô như các loại bún, mì đều tăng từ 50 - 100% trong vòng 1 tháng qua. Chẳng hạn, bún tươi Safoco trước khi dịch xảy ra giá 16.000 - 17.000 đồng/gói 300 gram, nay lên 29.000 đồng/gói 300 gram. Trên các trang thương mại điện tử như Sendo, Lazada, Shopee, giá cũng tăng từ 22.000 - 27.000 đồng/gói trong nửa tháng qua. Với các loại bột mì, bột gạo, bột chiên giòn… khi trong siêu thị không còn hàng, trên thị trường tự do, giá tăng gấp đôi, từ 18.000 - 20.000 đồng/kg lên 40.000 đồng/kg; nước mắm Nam Ngư chai 25.000 đồng tại tiệm tạp hóa, nay 45.000 đồng…
Đừng đổ lỗi cho khâu vận chuyển
Bà Nguyễn Thị Hiếu (chủ vựa rau củ tại Đà Lạt) khẳng định: “Giá bán lẻ rau đến tay người tiêu dùng thành phố tăng gấp 5, gấp 10 thực tế khâu bán lẻ “ăn dày” chứ chưa phải do phí vận chuyển”. Bà dẫn chứng, cước chở rau từ Đà Lạt về miền Tây và TP.HCM tăng gấp đôi, từ 1.500 đồng/kg lên 3.000 đồng/kg. Tuy nhiên, rau mua tại vườn quá rẻ, nên giá bán cũng thấp hơn trước nhiều. Trong mùa dịch, nhà vườn kiếm được người mua hàng đã khó nên họ chấp nhận bán giá thấp khi vào vụ. Chúng tôi là “con buôn”, dân bán thấp, mình bán thấp vì muốn bán được nhiều hàng. Nhưng thấy giá bán lẻ tại TP như vậy là rất khó chấp nhận. Mỗi ký xà lách người trồng và người vận chuyển chia nhau 6.000 - 7.000 đồng, một ký bắp cải cũng chia nhau trong 10.000 đồng, trong khi người mua về ăn giá 35.000 - 40.000 đồng. Giả sử trừ thêm các phí vận chuyển nội thành 10.000 đồng/kg thì người bán vẫn lãi 20.000 - 25.000 đồng một ký xà lách. Mức lãi khủng khiếp quá!”, bà Hiếu nói.
|
Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Vũ Vinh Phú, Ủy viên Ban chấp hành Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam cho rằng, rau củ là mặt hàng "thiết yếu hơn cả thiết yếu", bữa ăn có thể thiếu thịt nhưng rau rất khó bỏ. Thế nhưng thời gian qua, rau củ tăng giá vô tội vạ. Thực tế cho thấy, các doanh nghiệp “tay ngang” mua rau làm từ thiện từ vườn chỉ với giá 4.000 đồng/kg trong khi siêu thị bán 40.000 đồng/kg, gấp 10 lần. "Trong mùa dịch, ai cũng hiểu toàn dân khó khăn, thu nhập giảm sút. Việc vận chuyển rau về TP có khó khăn hơn. Thế nhưng, không thể lấy lý do đó để bán cao gấp 4 - 5 lần như vậy"- ông Phú bức xúc và nhấn mạnh : “Đây là những con số biết nói mà trách nhiệm thuộc về chính quyền và ngành công thương địa phương. Tôi nhớ kế hoạch giãn cách của các địa phương phía nam gần đây giao trách nhiệm của các sở ban ngành nhưng không nêu vấn đề quản lý giá. Điều này có nghĩa là chính quyền chấp nhận thả cho giá tự do tăng, miễn có hàng hóa về cho người dân là quý rồi. Như vậy, việc giá tăng cao, neo ở mức cao và khó giảm như trước là điều có thể xảy ra”.
Từng theo dõi tỷ lệ chiết khấu của một số siêu thị, ông Phú khẳng định: Nhà sản xuất phải chi quá nhiều phí để đưa hàng vào siêu thị. Mức chiết khấu cứng là từ 20 - 30%, cộng thêm phí đứng đầu kệ, phí tạo mã, phí sinh nhật… “Thật khó để chấp nhận trong mùa dịch, một bó rau chênh lệch giá bán từ ngoài cửa siêu thị vào trong lên đến 30%. Tôi hoàn toàn đồng ý với ý kiến của Chủ tịch Tổng hội Nông nghiệp Việt Nam là chúng ta chăm chút khâu sản xuất, thế nhưng lợi nhuận rơi vào trung gian và bán lẻ. Như vậy, có cần xem lại luật hóa việc phân phối lợi nhuận trong chuỗi giá trị hay không?”.
Bình luận (0)