Ngân hàng nào ‘khoẻ’ mới được tăng trưởng tín dụng cao

Anh Vũ
Anh Vũ
01/04/2019 10:41 GMT+7

“Miếng bánh” tín dụng sẽ không được chia đều, chỉ nhà băng nào hoạt động đáp ứng đủ điều kiện an toàn mới được tăng trưởng tín dụng cao.

Đó là thông điệp của Ngân hàng nhà nước (NHNN) tại buổi họp báo về tình hình chính sách tiền tệ sáng 1.4. Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, cho biết từ đầu năm, cơ quan này đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các công cụ để ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đề ra. Đến 25.3, tổng phương tiện thanh toán tăng 2,67% so với cuối năm 2018.
Về điều hành tín dụng, trên cơ sở mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2019 là 6,8% và lạm phát bình quân dưới 4% được Quốc hội và Chính phủ đặt ra từ đầu năm, NHNN đã xây dựng chỉ tiêu định hướng tăng trưởng tín dụng cả năm 2019 khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế.
“Chúng tôi đã có công văn chỉ đạo định hướng tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống và thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đối với từng tổ chức tín dụng. Trong đó, ưu tiên chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn đối với đơn vị nào thực hiện trước thời hạn các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tại Thông tư 41/2016/TT-NHNN ngày 30.12.2016”, ông Hà nói, và cho biết đến 25.3, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 2,28% so với cuối năm 2018.
Bên cạnh đó, NHNN điều hành lãi suất phù hợp với diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, giữ ổn định các mức lãi suất điều hành và chỉ đạo tổ chức tín dụng rà soát, cân đối tài chính để áp dụng lãi suất cho vay hợp lý. Mặt bằng lãi suất huy động và cho vay tiếp tục ổn định, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 6 - 9%/năm, 9 - 11%/năm đối với trung và dài hạn.
Ngay sau hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành ngân hàng đầu năm 2019, các ngân hàng đã chủ động giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động trong các lĩnh vực ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với mức giảm phổ biến khoảng 0,5%/năm.
Về nợ xấu, các giải pháp xử lý nợ xấu được triển khai đồng bộ cùng với các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa nợ xấu mới phát sinh đã góp phần nâng cao chất lượng tín dụng và giảm tỷ lệ nợ xấu của hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu nội bảng được duy trì dưới 2%.
Kết quả xử lý nợ xấu được xác định theo Nghị quyết 42 đến 31.1, ước tính toàn hệ thống tổ chức tín dụng đã xử lý được khoảng 204.400 tỉ đồng đồng nợ xấu, đạt trên 40,1% tổng nợ xấu được xác định theo Nghị quyết số 42 (riêng năm 2018 xử lý được khoảng 113.400 tỉ đồng).
Định hướng điều hành chính sách tiền tệ và hoạt động ngân hàng trong những tháng tiếp theo, theo ông Hà, NHNN bám sát mục tiêu tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 13%, tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế. Điều hành tín dụng phù hợp với chỉ tiêu định hướng, đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng.
Cùng với đó là theo sát diễn biến tăng trưởng tín dụng tại từng tổ chức tín dụng để định hướng tăng trưởng tín dụng lành mạnh vào các lĩnh vực ưu tiên và hạn chế phân bổ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro; tạo điều kiện thuận lợi trong việc tiếp cận vốn tín dụng của doanh nghiệp và người dân; kiểm soát cho vay bằng ngoại tệ và có lộ trình phù hợp giảm dần cho vay bằng ngoại tệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.