Người chết, mất tích, bỏ trốn… nợ 41.300 tỉ đồng thuế

Thanh Xuân
Thanh Xuân
12/08/2019 19:25 GMT+7

Bộ Tài chính vừa có báo cáo tình hình nợ đọng thuế tính đến 2018 hơn 81.600 tỉ đồng, tăng 4% so với năm 2017, trong đó có 41.300 tỉ đồng không có khả năng thu hồi, chiếm hơn 50% tổng số thuế nợ.

Trong số thuế nợ đọng, cơ quan thuế quản lý hơn 76.000 tỉ đồng thì có 37.500 tỉ đồng không thể thu hồi; hải quan quản lý hơn 5.200 tỉ đồng nợ thuế, trong đó nợ không có khả năng thu hồi 3.800 tỉ đồng
Theo đó có hơn 759.000 người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự, đã tự phá sản, giải thể, người nộp thuế đã chấm dứt kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký… Cụ thể, có hơn 2.600 người nộp thuế đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự với số tiền thuế nợ là 460 tỉ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp là 174 tỉ đồng. Trên 24.000 doanh nghiệp tự giải thể nhưng không thực hiện thủ tục giải thể doanh nghiệp với số tiền thuế nợ là hơn 2.000 tỉ đồng (trong đó tiền chậm nộp và tiền phạt chậm nộp là 869 tỉ đồng). Đồng thời, hơn 731.000 người nộp thuế (trong đó có hơn 197.000 doanh nghiệp và hơn 534.000 hộ gia đình và cá nhân) bỏ địa chỉ kinh doanh, không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh với số tiền thuế nợ lên tới hơn 23.000 tỉ đồng, trong đó tiền phạt chậm nộp và chậm nộp là hơn 9.300 tỉ đồng.
Để giải quyết nợ đọng thuế không còn khả năng nộp ngân sách, Bộ Tài chính đề nghị xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về xử lý tiền thuế nợ của người nộp thuế nhằm tạo cơ chế pháp lý để xử lý dứt điểm tiền nợ thuế tồn tại lâu năm không còn khả năng thu của các đối tượng đã chết, mất tích, mất năng lực hành vi dân sự… Cũng theo bộ này, luật Quản lý thuế đã 3 lần bổ sung, sửa đổi, nhưng chưa có quy định xử lý nợ thuế đối với người nộp thuế đã chấm dứt hoạt động kinh doanh và thực sự không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước cho nên số tiền thuế nợ, tiền phạt chậm nộp, tiền chậm nộp tồn tại dây dưa kéo dài.
Vừa qua, Quốc hội cũng đã thông qua luật Quản lý thuế sửa đổi bổ sung có quy định xử lý nợ cho các đối tượng này nhưng từ ngày luật có hiệu lực từ 1.7.2020, do đó không áp dụng cho các trường hợp nợ trước đó. Do đó, Bộ Tài chính cho rằng cần thiết phải xây dựng Nghị quyết của Quốc hội để xử lý tiền thuế nợ đối với người nộp thuế không còn khả năng nộp ngân sách nhà nước.
Các trường hợp được xóa nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt theo luật Quản lý thuế vừa được sửa đổi, bổ sung:
1. Doanh nghiệp, hợp tác xã bị tuyên bố phá sản đã thực hiện các khoản thanh toán theo quy định của pháp luật về phá sản mà không còn tài sản để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
2. Cá nhân đã chết hoặc bị tòa án tuyên bố là đã chết, mất năng lực hành vi dân sự mà không có tài sản, bao gồm cả tài sản được thừa kế để nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt còn nợ.
3. Các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt của người nộp thuế mà cơ quan quản lý thuế đã áp dụng biện pháp cưỡng chế thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và các khoản nợ tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt này đã quá 10 năm kể từ ngày hết thời hạn nộp thuế nhưng không còn khả năng thu hồi.
4. Tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt đối với các trường hợp bị ảnh hưởng do thiên tai, thảm họa, dịch bệnh có phạm vi rộng đã được xem xét miễn tiền chậm nộp và đã được gia hạn nộp thuế mà vẫn còn thiệt hại, không có khả năng phục hồi được sản xuất, kinh doanh và không có khả năng nộp tiền thuế, tiền chậm nộp, tiền phạt.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.