Người tiên phong
|
Ngồi tựa lưng vào căn nhà gỗ đã phai màu vì nắng gió, ông Bé kể cho đến bây giờ ông cũng không nhớ nổi đã trồng được bao nhiêu diện tích keo trong rừng. Bởi, khu đất nào của ông mà trống, dù là đất vườn hay đất rẫy, ngoài dành riêng một phần diện tích để tạo giống lúa baton, tất cả đều được trồng keo lai, kết hợp làm trang trại chăn nuôi. Miệt mài nhiều năm như thế, bây giờ ông đã có trong tay đàn trâu bò hơn 30 con lớn nhỏ.
Không chỉ tiên phong trong việc phát triển kinh tế, ông Bé còn làm gương, bắt đầu từ việc khuyến khích con cháu nỗ lực học tập. Hồi đó, cuộc sống khó khăn, từ làng đến trường phải lội qua nhiều đoạn suối. Hiểm họa chực chờ, không còn cách nào khác, ông đành cõng những đứa con của mình đến lớp, đều đặn quanh năm suốt tháng. “Ngày xưa đói khổ đến mấy mình cũng ráng dành dụm để cho con cái ăn học. Vì mình nghĩ, chỉ có học cái chữ mới giúp được tương lai sau này bớt khổ, bớt đói nghèo”, ông Bé tâm sự. Với tâm niệm đó, vợ chồng ông luôn quyết tâm cho các con ăn học đến nơi đến chốn. Trong số các con ông, bây giờ đã có người trở thành giáo viên, mang kiến thức về truyền dạy cho con em đồng bào quê hương miền núi.
Tìm cách bảo tồn lúa baton
|
Có lúc, ông rùng mình khi lại nghĩ đến nếu lễ hội tết mùa một ngày nào đó tự nhiên biến mất sẽ khiến giá trị văn hóa của tổ tiên bị thất truyền. Như giống lúa baton này, là nguyên liệu chính để làm ra những cặp bánh truyền thống, nếu không được gìn giữ, việc thực hiện nghi thức cúng tết mùa cũng khó có thể diễn ra. Vì thế, không còn cách nào khác, buộc đồng bào Bh’noong phải quyết tâm bảo tồn cho bằng được. “Mấy năm trời, tôi tìm kiếm khắp nơi, chỉ để khôi phục lại giống lúa này. Quý lắm. Lúa baton treo trên giàn bếp hơi khói giúp hạt lúa thêm chắc mẩy, chống mối mọt rất tốt. Đây cũng là cách mà người Bh’noong lưu truyền từ muôn đời trong việc chọn giống lúa chuẩn để gieo trồng. Nhưng để tìm ra giống lúa chuẩn thật sự không dễ dàng, đòi hỏi người chọn giống phải có kỹ năng, kinh nghiệm nhìn nhận thực tế, cũng như có sự am hiểu cao về khả năng phát triển của giống lúa rẫy”, ông Bé nói.
Ông Bé kể, những năm gần đây, khi giống lúa baton khan hiếm dần, nhiều hộ bà con trong vùng phải tìm đến ông để xin giống về gieo rẫy. Ông chia đều cho mọi người và chỉ giữ lại cho mình một ít để giữ giống, chờ vụ mùa mới lại tiếp tục hành trình bảo tồn giống lúa baton quý hiếm.
Ông Nguyễn Văn Mé, Bí thư Đảng ủy xã Phước Đức, nói rằng chính nhờ có lúa baton mà người Bh’noong giữ được lễ hội tết mùa như bây giờ. Bởi, gạo baton là một trong những nguyên liệu chính để làm ra thứ bánh sừng trâu đặc trưng, không thể thiếu của đồng bào Bh’noong trong ngày tết mùa truyền thống. “Giống lúa baton vì quý hiếm, nên cán bộ phòng nông nghiệp huyện mới đặt hàng nhờ ông Bé tìm nguồn giống đảm bảo tiêu chuẩn nhất để địa phương làm đề án bảo tồn”, ông Mé chia sẻ.
Bình luận (0)