Nguy cơ mất vốn, 'vỡ kế hoạch' cổ phần hóa

14/08/2018 07:51 GMT+7

Ôm doanh nghiệp không muốn nhả, định giá thấp tài sản, cổ phần hóa xong không chịu lên sàn...

Hàng loạt nguyên nhân đang khiến kế hoạch sắp xếp lại, tái cơ cấu các doanh nghiệp nhà nước năm 2018 có thể bị vỡ, mất vốn.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, 7 tháng đầu năm mới có 9 doanh nghiệp (DN) được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án cổ phần hóa (CPH), trong khi mục tiêu cả năm nay lên tới 85 DN. Về thoái vốn, tháng 7 chưa có số liệu thống kê, song trong 6 tháng đầu năm cũng mới chỉ hoàn thành 5 trên tổng số 181 DN. Năm 2017, tiến độ thoái vốn nhà nước tại DN cũng chậm so với kế hoạch đề ra khi mục tiêu đặt ra là 135 DN nhưng chỉ mới thoái vốn được 17 DN.
Trong danh mục thoái vốn nhà nước giai đoạn 2017 - 2020, Thủ tướng quyết định các bộ, UBND tỉnh chuyển giao về Tổng công ty đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để triển khai bán phần vốn nhà nước tại 62 DN. Song, từ quyết định ra đời 17.8.2017 đến hết tháng 6.2018, SCIC mới tiếp nhận 25/62 DN theo danh sách chuyển giao. Ông Nguyễn Đức Chi, Chủ tịch Hội đồng thành viên SCIC tỏ ra ngao ngán khi nhiều bộ ngành, địa phương không muốn bàn giao về cho SCIC. Điển hình là tại Bộ NN-PTNT, kế hoạch ban đầu sẽ hoàn thành chuyển giao trong tháng 5 nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được và phải báo cáo Bộ Tài chính. "Lẽ ra Bộ NN-PTNT làm xong thủ tục DN nào thì bàn giao nhưng họ bảo phải bàn giao cả gói. Hay như Bộ Công thương, chúng tôi cũng làm xong hết thủ tục rồi nhưng chưa được ký, Tổng công ty thép cũng thế", ông Chi cho biết.
Kể từ đầu năm đến nay, tháng nào Chính phủ cũng chỉ đạo, đôn đốc các bộ, ngành nhưng tình trạng này vẫn diễn ra rất ì ạch. Trong tháng 9.2018 tới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và hai Phó thủ tướng sẽ chủ trì Hội nghị Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của DN nhà nước, trọng tâm là các tập đoàn kinh tế, tổng công ty. Những chậm trễ trong thoái vốn, CPH chắc chắn sẽ được đặt ra. Tuy nhiên, bên cạnh đó nhiều chuyên gia lo ngại về nguy cơ thất thoát, mất vốn khi CPH tại một số DN lớn, đầu tàu. Đơn cử trường hợp tại Tổng công ty bia rượu - nước giải khát Sài Gòn (Sabeco), sau khi bán lại cho tỉ phú người Thái Lan, nếu không có sự vào cuộc của Kiểm toán Nhà nước, có thể ngân sách đã mất đi khoản thu 2.495 tỉ đồng. Cụ thể, qua kiểm toán báo cáo tài chính tại ngày 31.12.2016 và các hoạt động liên quan đến quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước năm 2016, Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Sabeco nộp lợi nhuận sau thuế còn lại chưa phân phối từ năm 2016 trở về trước khoảng 2.900 tỉ đồng. Trong đó, cổ đông nhà nước chiếm 89,59%/vốn điều lệ, tương ứng được chia số tiền 2.495 tỉ đồng. Số tiền này sau đó Sabeco đã nộp về ngân sách.
Nỗi lo mất vốn
Trước đó, Kiểm toán Nhà nước cũng đã tiến hành kiểm toán tại nhiều DN trước khi CPH có nguy cơ thất thoát tiền và tài sản nhà nước do định giá thấp hơn giá trị tài sản thực tế. Đáng lưu ý là trường hợp của Công ty TNHH lọc hóa dầu Bình Sơn. Theo báo cáo, giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN này hơn 40.342 tỉ đồng, sau kiểm toán, con số này lên tới hơn 44.900 tỉ đồng. Hay tại Tổng công ty điện lực dầu khí VN, con số báo cáo giá trị thực tế phần vốn nhà nước tại DN hơn 31.500 tỉ đồng, sau kiểm toán lại lên tới hơn 33.500 tỉ đồng…
Tại các tổng công ty như Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp VN (IDICO), Đầu tư và phát triển công nghiệp (Becamex) và Thương mại xuất nhập khẩu Thanh Lễ... kết quả kiểm toán cũng làm tăng giá trị vốn nhà nước tại các đơn vị này lên 2.223 tỉ đồng. Riêng công tác kiểm toán xác định giá trị DN tại Becamex đã làm tăng giá trị DN và giá trị vốn nhà nước lên 1.333 tỉ đồng.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.