Nhà ở xã hội ‘tịt ngòi’ do đói vốn

Lê Quân
Lê Quân
20/04/2021 18:45 GMT+7

Liên quan đến nhà ở xã hội, lãnh đạo Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản , Bộ Xây dựng, thừa nhận sau 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, mới xây dựng được hơn 5,2 triệu m 2 , đạt 41,7%.

10 năm phát triển nhà ở xã hội, hoàn thành chưa đến 50% mục tiêu

Tại hội thảo về xây dựng chính sách tổng thể nhà ở xã hội Việt Nam giai đoạn 2021 - 2034 do Bộ Xây dựng tổ chức ngày 20.4, ông Hà Quang Hưng, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường, thông tin về 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, kết quả thực hiện các chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân ở các khu công nghiệp.
Cụ thể, theo ông Hưng, trên địa bàn cả nước đã hoàn thành 249 dự án nhà ở xã hội khu vực đô thị và công nhân khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng hơn 104.200 căn, với tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2. Hiện, tiếp tục triển khai 264 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 219.000 căn, với tổng diện tích khoảng gần 11 triệu m2.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp tại khu vực đô thị đến nay đã hoàn thành đầu tư xây dựng 138 dự án, quy mô xây dựng khoảng hơn 57.000 căn hộ, với tổng diện tích khoảng hơn 2,8 triệu m2. Đang tiếp tục triển khai 173 dự án, quy mô xây dựng khoảng 128 nghìn căn hộ, với tổng diện tích khoảng hơn 6,4 triệu m2.
Chương trình phát triển nhà ở xã hội dành cho công nhân khu công nghiệp: Đến nay đã hoàn thành việc đầu tư xây dựng 111 dự án, với quy mô xây dựng khoảng 47.000 căn hộ, với tổng diện tích hơn 2,3 triệu m2. Hiện, tiếp tục triển khai 91 dự án với quy mô xây dựng khoảng hơn 90.000 căn hộ, tổng diện tích hơn 4,5 triệu m2.
Ông Hưng thừa nhận, qua 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội thực hiện xây dựng được tổng diện tích hơn 5,2 triệu m2 đã xây dựng, mới chỉ đạt được khoảng 41,7% so với mục tiêu đề ra theo Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia đến năm 2020 (12,5 triệu m2 nhà ở).

Tại nhiều khu công nghiệp, đa phần công nhân vẫn thuê nhà ở tại những khu nhà trọ do người dân xây dựng, cho thuê

Ảnh CTV

Đói vốn, địa phương thực hiện quy định không nghiêm

Nguyên nhân, ông Hưng cho biết, có 2 nhóm nguyên nhân chủ yếu dẫn đến kết quả phát triển nhà ở xã hội chưa đạt mục tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia. Cụ thể, tại một số địa phương, trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội, chưa thực hiện nghiêm quy định dành 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội hoặc có bố trí nhưng ở tại các vị trí không thuận lợi hoặc chưa giải phóng xong mặt bằng,... dẫn đến thiếu quỹ đất sạch để triển khai các dự án nhà ở xã hội.
Bên cạnh đó, do “đói” vốn tín dụng ưu đãi cho phát triển nhà ở xã hội. Trong đó, ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2016 - 2020 đạt mức thấp, khoảng 2.163/9.000 tỉ đồng (chỉ đáp ứng khoảng 24% so với nhu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội).
Đồng thời, nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các tổ chức tín dụng để cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội đến nay vẫn chưa được bố trí nên nhiều dự án nhà ở xã hội không thể triển khai thực hiện.
Để có nguồn vốn phát triển nhà ở xã hội, đại diện Bộ Xây dựng cho biết sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt nam, Ngân hàng Chính sách xã hội báo cáo các cấp có thẩm quyền xem xét, sớm bố trí nguồn vốn để cấp bù lãi suất cho các ngân hàng thương mại để cho vay nhà ở xã hội và bổ sung nguồn vốn cho Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay nhà ở xã hội.
Theo đó, sẽ đề nghị bổ sung khoảng 1.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội theo Nghị quyết số 71/2018/QH14 và khoảng 2.000 tỉ đồng cho các tổ chức tín dụng để thực hiện hỗ trợ cho vay nhà ở xã hội.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.