Nhãn lồng Hưng Yên 'đại hạ giá' 10.000 đồng/kg

21/08/2020 06:41 GMT+7

Chưa năm nào giá nhãn lồng Hưng Yên trên thị trường Hà Nội lại rẻ như năm nay. Nhiều cửa hàng hoa quả đang có chiến dịch giải cứu nhãn với mức giá chỉ 10.000 đồng/kg để hỗ trợ bà con nông dân.

Bán không lợi nhuận

Nhãn lồng Hưng Yên đang vào chính vụ, những ngày này, từ các chợ dân sinh, hàng rong, chợ online đến siêu thị ở Hà Nội, đâu đâu cũng tràn ngập nhãn. Vốn nổi tiếng là đặc sản của Hưng Yên, giá bán cao hơn bất kỳ các loại nhãn nào trồng ở các địa phương khác, nhãn lồng năm ngoái có giá từ 50.000 - 70.000 đồng/kg thì nay chỉ còn từ 10.000 - 15.000 đồng/kg. Dịch Covid-19 không chỉ tác động đến thị trường xuất khẩu nhãn sang Trung Quốc, mà còn ảnh hưởng đến sức mua trong nước.
Chị Mai Lan, bán hoa quả ở phố Kim Ngưu (Q.Hai Bà Trưng, Hà Nội), cho biết: “Nhãn Hưng Yên giòn, ngọt, cùi dày nhưng do thu hoạch muộn và rộ vào một thời điểm, nên giá bán chỉ bằng một nửa so với nhãn Sơn La bán cách đây 1 tháng. Rẻ là vậy mà khách mua cũng chỉ thưa thớt. Mọi năm khách của tôi thường đóng thùng cả tạ gửi đi nước ngoài, gửi vào miền Trung, miền Nam làm quà, năm nay chỉ có khách mua lẻ. Dịch bệnh ai cũng khó khăn, mình bán đắt cũng chẳng ai mua”.
Đáng nói là trong khi nhãn bán ở chợ ế ẩm thì qua hệ thống phân phối của các cửa hàng lại tiêu thụ mạnh. Là một trong những đơn vị tiên phong triển khai chương trình hỗ trợ tiêu thụ nhãn Hưng Yên tại Hà Nội từ ngày 19.8, bà Ngô Minh Phương, Giám đốc thương hiệu chuỗi hệ thống hoa quả sạch F99, chia sẻ: “Có về Hưng Yên mới biết người nông dân trồng nhãn vất vả ra sao, gặp khó khăn thế nào khi nhãn rớt giá. Dịch bệnh, hàng không xuất khẩu được, thương lái ép giá bán chỉ 7.000 - 8.000 đồng/kg, xót công chăm sóc cả năm, nhiều nông dân thà chặt nhãn chứ nhất định không chịu bán rẻ. Vì vậy, chúng tôi quyết định triển khai chương trình giải cứu nhãn, hỗ trợ người nông dân tiêu thụ khoảng 100 tấn nhãn tươi”.
Theo bà Phương, giá nhãn ra từ hệ thống F99 là 10.000 đồng/kg, bằng giá nhập và không bao gồm phí vận chuyển. Trong ngày đầu tiên, các cửa hàng của hệ thống này tại Hà Nội đã tiêu thụ cho bà con trồng nhãn được 5 tấn quả.
Trên các chợ online, nhãn Hưng Yên được chào bán sôi động không kém, mức giá từ 15.000 - 20.000 đồng/kg, ship tận nơi. Trong số đó, nhiều người không phải là dân buôn chuyên nghiệp mà là con em của Hưng Yên muốn chung tay “giải cứu” nhãn cho quê hương mình. Chị Phạm Thị Hằng, dược sĩ ở Tân Mai (Q.Hoàng Mai, Hà Nội) chia sẻ: “Nhà mình có 7 cây nhãn, cả tuần nay mưa lớn, nhãn rụng nhiều, rớt giá thê thảm. Thương bố mẹ lo lắng đến đổ bệnh, mình quyết định kêu gọi bạn bè, đồng nghiệp mua ủng hộ để mẹ đỡ phải đem ra chợ bán rẻ”.

Mở rộng tiêu thụ nội địa

Theo UBND tỉnh Hưng Yên, vụ nhãn năm 2020, trên địa bàn tỉnh này có hơn 4.600 ha, nhãn được mùa lớn, ước sản lượng khoảng 50.000 tấn. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nên việc tiêu thụ nhãn đang gặp nhiều khó khăn, cần hỗ trợ của các bộ, ngành T.Ư, các nhà phân phối, chế biến và chung tay của người tiêu dùng.
Tại H.Khoái Châu (Hưng Yên), nơi được coi là “thủ phủ” của nhãn lồng, nhiều hộ nông dân sợ dịch Covid-19 lan rộng nên đã thu hoạch ồ ạt. Do dịch bệnh, thương lái Trung Quốc không thể sang thu mua, khiến giá nhãn có thời điểm chỉ rẻ bằng 1/3 các năm trước. Nhãn loại đẹp chỉ còn 12.000 đồng/kg; loại 2, loại 3 chỉ còn 7.000 - 10.000 đồng/kg. Nhiều gia đình cả năm trông chờ vào 1 vụ nhãn, thu hoạch được vài tấn quả, nhưng thu về chưa đến 100 triệu đồng.
Anh Vũ Văn Tuyến (ở thôn Hạ, xã An Vỹ, H.Khoái Châu) cho biết: “Nhà tôi năm nay thu hoạch được hơn 4 tấn nhãn. Tính chi phí công chăm sóc, phân bón, công thu hoạch… giá bán phải 17.000 - 20.000 đồng/kg mới có lãi, nhưng như hiện nay thì các hộ trồng nhãn đều lỗ nặng. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của chính quyền, các doanh nghiệp, đơn vị tìm đầu ra cho quả nhãn”.
Theo Sở Công thương Hưng Yên, kế hoạch tổ chức chuỗi hoạt động xúc tiến tiêu thụ nhãn tại Hà Nội trong tháng 8 cũng đã bị hủy bỏ vì dịch Covid-19. Sở này đã tổ chức hội nghị kết nối cung cầu, doanh nghiệp trong và ngoài nước hỗ trợ các nhà vườn tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, lượng nhãn tiêu thụ chưa được như kỳ vọng.
Mới đây, Bộ Công thương phối hợp Bộ NN-PTNT, UBND các tỉnh Hưng Yên, Sơn La cũng tổ chức hội nghị giao thương trực tuyến quốc tế sản phẩm nhãn Việt Nam 2020. Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, đây là giải pháp để hỗ trợ các nhà vườn, hợp tác xã, doanh nghiệp nhãn Việt Nam tăng cường tìm kiếm các cơ hội kinh doanh, xuất khẩu nhãn và sản phẩm nhãn ra thị trường quốc tế.
Ngoài đẩy mạnh tiêu thụ ở các thị trường truyền thống và xuất khẩu, ông Bùi Thế Cử, Phó chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên, cho biết tỉnh đang thúc đẩy tiêu thụ nội địa để giúp người trồng nhãn tìm đầu ra. Sở Công thương và Hội Nông dân tỉnh này được giao đánh giá sản lượng, làm việc với các nhà phân phối để giới thiệu và đưa nhãn lồng Hưng Yên vào chuỗi cửa hàng, siêu thị và nhiều kênh bán hàng khác; chủ động làm bao bì, tem truy xuất nguồn gốc gắn với kiểm soát chất lượng nông sản…
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.