Nhập khẩu hạt điều, cao su, gỗ, phế liệu từ Campuchia tăng mạnh

Nguyên Nga
Nguyên Nga
15/03/2019 20:26 GMT+7

Nhập khẩu hàng hóa từ Campuchia tăng hơn 41% trong 2 tháng qua.

Số liệu phân tích từ Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại (Bộ Công thương) và Tổng cục Hải quan cho thấy, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Campuchia tăng mạnh trong 2 tháng đầu năm. Tổng kim ngạch là 901,7 triệu USD, tăng hơn 28% so cùng kỳ. Trong đó, Việt Nam chi nhập từ thị trường này hơn 268 triệu USD, tăng đến 41,3%. Ở chiều ngược lại, xuất khẩu sang Campuchia đạt 633,68 triệu USD, tăng 23,6%.
Đặc biệt, riêng tháng 2, rơi vào dịp Tết Nguyên đán của Việt Nam, nhập khẩu từ thị trường Campuchia cũng tăng mạnh, hơn 43% với hơn 158 triệu USD so với tháng 1. Nếu so cùng kỳ tháng 2.2018, hàng hóa nhập từ Campuchia về Việt Nam tăng hơn gấp đôi, đạt 113%.
Phân tích của Trung tâm Thông tin công nghiệp và thương mại cho thấy, hiện Việt Nam chỉ đang mua từ Campuchia 4 nhóm hàng hóa. Trong đó, hạt điều đứng đầu về kim ngạch, chiếm hơn 42%. Trong 2 tháng đầu năm, Việt Nam chi hơn 113 triệu USD mua 62.385 tấn điều từ thị trường này. Nếu so cùng kỳ tháng 2.2018, điều nhập từ Campuchia tăng gấp 12 lần về lượng và gấp 10 lần về giá trị.
Việt Nam dẫn đầu thế giới về xuất khẩu điều Ng.Ng
Xếp vị trí thứ 2 trong rổ hàng Việt Nam nhập từ Campuchia là nhóm hàng cao su với 13.652 tấn đạt 16,32 triệu USD trong 2 tháng qua. Thứ 3 là gỗ và các các sản phẩm từ gỗ đạt 13,67 triệu USD và cuối cùng là nhóm phế liệu sắt thép. Hằng năm, qua đường thủy, lượng sắt thép phế liệu Việt Nam nhập từ Campuchia khá lớn. Tuy nhiên, do chính sách siết phế liệu, trong 2 tháng đầu năm nay, sắt thép phế liệu nhập từ Campuchia đạt gần 2.000 tấn, giảm một nửa về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số vụ buôn lậu phế liệu sắt thép cũng từ thị trường này đưa vào Việt Nam qua đường sông lại đang gia tăng.
Gần đây nhất là phát hiện và ra quyết định tịch thu của Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang đối với 14 tấn phế liệu được nhập lậu từ Campuchia vào Việt Nam ngày 12.1. Trước đó, năm 2018, sau khi có Chỉ thị 27 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp tăng siết phế liệu vào Việt Nam, tuyến biên giới Tây Nam liên tục phát hiện nhiều vụ buôn lậu phế liệu qua An Giang. Nhiều kho chứa đường lậu dọc biên giới tỉnh An Giang được biến thành kho chứa phế liệu. Hàng được mua ép đóng thành cục chờ thời cơ thuận lợi để đưa về Việt Nam tiêu thụ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.