Như vậy, trong 8 tháng qua, Việt Nam nhập siêu từ Trung Quốc lên đến 38,69 tỉ USD.
Đáng lưu ý, trong khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc đạt 33,35 tỉ USD, tăng 22,3% so cùng kỳ năm ngoái, thì nhập khẩu từ nước này với 72,05 tỉ USD, tăng đến 46,1% so cùng kỳ năm ngoái. Nhập khẩu hàng hóa từ Trung Quốc hiện chiếm 33,3% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.
Hiện Trung Quốc là đối tác thương mại đầu tiên và duy nhất của Việt Nam có quy mô kim ngạch trên 100 tỉ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng của năm, có 12 nhóm hàng Việt Nam nhập khẩu từ Trung Quốc đạt từ 1 tỉ USD trở lại, trong đó, có 2 nhóm hàng đạt hơn 10 tỉ USD. Cụ thể, nhập nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 16,73 tỉ USD; nhóm hàng máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện lên 13,49 tỉ USD.
Mặt hàng nhập khẩu lớn thứ 3 từ Trung Quốc trong 8 tháng qua là vải may mặc với kim ngạch 6 tỉ USD, điện thoại và linh kiện 5,83 tỉ USD; sắt thép 3,52 tỉ USD; sản phẩm từ chất dẻo 2,65 tỉ USD; nguyên phụ liệu dệt may, da giày 2,15 tỉ USD; chất dẻo nguyên liệu 1,62 tỉ USD…
Đáng lưu ý, trong tháng 8, cả nước chi 1,89 tỉ USD nhập khẩu nguyên phụ liệu ngành dệt may, da giày (bông các loại; vải các loại; xơ sợi dệt các loại và nguyên phụ liệu dệt may, da giày). Tính chung 8 tháng, tổng kim ngạch nhập khẩu của nhóm hàng này đạt 17,7 tỉ USD, tăng 29,4%, tương ứng tăng hơn 4 tỉ USD so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, hàng nguyên phụ liệu phục vụ ngành dệt may, da giày nhập khẩu về Việt Nam chủ yếu có xuất xứ từ Trung Quốc, chiếm tỷ trọng lên đến 52%, với kim ngạch đạt 9,2 tỉ USD, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Bên cạnh đó, với 1,62 tỉ USD kim ngạch nhập khẩu trong 8 tháng, Trung Quốc đang giữ vị thế số một về nhập khẩu chất dẻo nguyên liệu của Việt Nam, tăng 103% (tương ứng tăng 824 triệu USD). Hết tháng 8, cả nước nhập khẩu 4,84 triệu tấn chất dẻo nguyên liệu với kim ngạch 8,05 tỉ USD, tăng 12,5% về lượng và tăng 52,9% về trị giá so với cùng kỳ năm trước.
Bình luận (0)