Mới nhất là quy hoạch dự án Nhà máy nhiệt điện than Long An I, do Tập đoàn Daewoo E&C (Hàn Quốc) triển khai, có công suất 1.320 MW, vốn đầu tư khoảng 2,7 tỉ USD, theo hình thức hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT).
Mối hại từ nhà máy nhiệt điện than Long An
|
Dự án nhiệt điện Long An dự kiến dùng than nhập từ Indonesia hoặc từ Úc vì các nguồn khác đã hết, nhưng nhập than từ Indonesia có lẽ là phương án rẻ tiền nhất. Với công suất của Long An trong tương lai thì một giờ đốt cũng khoảng 600 tấn than, do đó thải ra khoảng 120 tấn tro, cả tro bay và xỉ thải. Việc xử lý được khối lượng chất thải như vậy sẽ là một vấn đề lớn. Chưa kể một trung tâm nhiệt điện như vậy cũng cần cảng chuyên chở nhiên liệu lớn để cung cấp cho nhà máy.
Nhiệt điện đốt than thì vấn đề ô nhiễm khí thải là quan trọng nhất. Với lượng nhiên liệu đốt khổng lồ như vậy, hiện nay các nhà máy đều có các bộ khử bụi tĩnh điện lọc được khoảng 99% lượng bụi thải và nhìn chung bụi thải là có thể xử lý được. Tuy nhiên, trong một số trường hợp như ở Nhà máy điện Hải Phòng phải đốt dầu kèm khi phụ tải thấp thì lọc bụi tĩnh điện hoạt động kém hiệu quả và cũng có gây ô nhiễm môi trường, nhất là khi doanh nghiệp gian lận không cho máy lọc bụi tĩnh điện hoạt động để tiết kiệm tiền.
Vấn đề thứ hai là khử SOx và NOx. Các bộ khử (các hệ thống xử lý) này thường có chi phí khá cao, làm tăng chi phí đầu vào cho nhà máy. Trong một số trường hợp thì nhà máy có thể có trang bị các bộ này nhưng không cho vận hành vì gây trở lực lớn cho quạt. Các nước phát triển luôn có trang thiết bị đo và dẫn tín hiệu đến trung tâm quan sát môi trường độc lập. Nhưng VN nhìn chung phụ thuộc vào thiết bị đo do nhà máy trang bị. Điều này dẫn đến những rủi ro về phát thải SOx và NOx với khối lượng lớn gây mưa a xít.
Đối với nhiệt điện than, cần phải xác định nguồn nhiên liệu trước khi thiết kế nhà máy, bởi lẽ việc thay đổi loại nhiên liệu sẽ khiến lò hơi vận hành kém hiệu quả. Nhìn chung, than nhập khẩu sẽ tốt hơn than trong nước do than trong nước là loại antraxit có nhiều tro, khó bốc cháy, lâu cháy kiệt, hàm lượng carbon còn lại trong tro khá cao nên khó sử dụng tro bay làm phụ gia xi măng. Nếu dùng than nhập khẩu thì có thể lựa chọn loại than có hàm lượng tro ít, dễ bốc cháy và cháy kiệt hơn nên tro thải ra có thể sử dụng ngay làm phụ gia xi măng. Khi đó, lượng xỉ thải có thể giải quyết dễ dàng hơn nhiều. Tuy nhiên, than nhập khẩu thì khó chủ động với số lượng lớn, hoạt động lâu dài. Nhìn chung các nước thường mua cả mỏ của nước có nguồn nguyên liệu để có thể ổn định vận hành. VN chưa làm được điều đó nên nguồn cung cấp nhiên liệu ổn định sẽ là vấn đề rủi ro lớn.
Các nhà máy nhiệt điện chỉ được quy hoạch bãi thải xỉ với công suất chứa đủ trong 2 năm, sau đó phải tính chuyện sử dụng để giảm lượng chứa thải. Vậy nên tro bay là một vấn đề nghiêm trọng rất khó xử lý.
Long An cách TP.HCM có 30 km mà một trung tâm nhiệt điện lớn như vậy thì cũng rất đáng ngại cho sự phát triển tương lai. Cho dù cố gắng áp dụng những công nghệ mới nhất, nhưng với quy mô lớn như vậy thì lượng phát thải dẫu giảm được cũng vẫn ảnh hưởng không nhỏ tới thành phố. Các nhà máy công nghiệp nhỏ thì có thể di dời khi thành phố cần trong sạch hơn, nhưng nhà máy nhiệt điện thì quá lớn để tính chuyện di dời khi thấy không thích hợp.
|
Bài học từ Hàn Quốc
Công nghiệp điện đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế nhanh chóng của Hàn Quốc, và điện đã trở thành nhân tố đặc biệt quan trọng duy trì sự giàu có của người dân Hàn Quốc. Có 4 loại nhà máy điện (thủy điện, nhiên liệu hóa thạch, hạt nhân và non-utility) trong nền kinh tế Hàn Quốc những năm 1985 tới 1998.
Theo thông tin từ Hãng tin CNBC (7.2016), Hàn Quốc sẽ đóng cửa 10 nhà máy điện than cũ vào năm 2025 và có kế hoạch đầu tư 37 tỉ USD cho năng lượng tái tạo, nhằm thực hiện kế hoạch cắt giảm lượng bụi than.
Tại Hàn Quốc, nhà máy nhiên liệu đốt than được biết là một trong những nguồn chính gây ra ô nhiễm thủy ngân. Thủy ngân hiện tại được xem là vấn đề quan trọng trong quản lý ô nhiễm trên toàn thế giới. Mặc dù đã có nhiều nỗ lực nhưng quản lý ô nhiễm thủy ngân vẫn chưa có một công nghệ thích hợp. Theo như đánh giá, có khoảng 46 tấn thủy ngân phát thải tại Hàn Quốc năm 2000 và 84% trong số đó là bởi các trạm đốt điện than.
Ở VN, vấn đề năng lượng sạch cũng đã có nhiều người bàn đến từ 50 - 60 năm nay rồi, nhưng phần lớn chỉ trên lý thuyết. Gần đây, đã có nhiều dự án đã hoàn thành về năng lượng gió ở phía nam và vài đảo. Năng lượng mặt trời thì cũng đã có nhiều nơi làm nhưng mới chú trọng đến đun nước tắm, công suất nhỏ và đắt. Hạn chế lớn nhất là đầu tư cho một đơn vị năng lượng mới (năng lượng gió) còn khá cao.
Than "đã hết thời rồi", trữ lượng không còn bao nhiêu, khai thác ngày càng khó. Nước ta đã phải nhập khẩu than và lượng nhập khẩu ngày càng nhiều, giá ngày càng đắt. Đó là chưa nói đến tác động xấu đến môi trường, và quan trọng hơn là đi ngược trào lưu thế giới. Cái cần bây giờ là phát triển các nguồn khác và sử dụng điện phải tiết kiệm. Đầu tư vào tiết kiệm điện chưa chắc đã tốn kém hơn xây dựng nhà máy chạy than mới.
Bình luận (0)