Những vấn đề trên được tập trung thảo luận tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm của các Ban chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tội phạm (Ban 138) và BCĐ phòng chống buôn lậu, hàng giả (Ban 389) diễn ra hôm qua (23.7). Ủy viên Bộ Chính trị, Phó thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng BCĐ, chủ trì hội nghị.
Mất 4 ngày 4 đêm mới kiểm đếm xong kho hàng lậu
Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục Quản lý thị trường, cho hay thời gian qua hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) có sự bùng nổ cả về số lượng và quy mô, thu hút nhiều doanh nghiệp (DN), tổ chức, cá nhân tham gia. Các đối tượng kinh doanh qua mạng một mặt cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên internet; quảng bá trực tuyến và khuyến mãi rầm rộ; mặt khác thẩm lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay... bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô ngày một lớn và đặc biệt là không còn co cụm ở các TP lớn như trước đây.
Tấn công tội phạm có tổ chức “núp bóng” doanh nghiệpBáo cáo của BCĐ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả cho hay 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý gần 75.000 vụ việc vi phạm, thu nộp ngân sách gần 11.300 tỉ đồng (tăng 83% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó số thu từ lực lượng thuế và hải quan tăng rất ấn tượng, lần lượt là 98% và 44%), khởi tố 1.128 vụ án, với hơn 1.346 đối tượng. Đặc biệt, các lực lượng đã tập trung làm tốt công tác ổn định thị trường, chống sản xuất, kinh doanh, các mặt hàng y tế giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc.
Trong khi đó, báo cáo của BCĐ phòng chống tội phạm, do Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương trình bày, cho biết trong 6 tháng đầu năm 2020, toàn quốc xảy ra 23.465 vụ vi phạm pháp luật hình sự (giảm 8,4% so với cùng kỳ 2019). Hoạt động của tội phạm nổi lên là tội phạm có tổ chức với diễn biến phức tạp, có sự đan xen giữa các lĩnh vực, núp bóng DN, hoạt động chủ yếu là bảo kê, tín dụng đen, đánh bạc và tổ chức đánh bạc trên không gian mạng... Tội phạm giết người tuy có giảm, song xảy ra nhiều vụ có hành vi dã man, tàn bạo, mất nhân tính, trong đó có 6 vụ đốt nhà để giết người làm 19 người chết. Tội phạm chống người thi hành công vụ tăng 21,76% so với cùng kỳ 2019. Tình trạng bạo hành, xâm hại phụ nữ, trẻ em gia tăng gây bức xúc xã hội. Hoạt động môi giới mại dâm, đánh bạc có chiều hướng gia tăng.
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết thêm, trong 6 tháng cuối năm, Bộ Công an sẽ thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm trong đó tập trung đấu tranh với tội phạm có tổ chức “núp bóng” DN; các ổ nhóm thanh thiếu niên hư, côn đồ, càn quấy; các vấn đề liên quan đến “tín dụng đen”; tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
|
Dù vậy, ông Linh cho hay nhờ sự phối hợp tốt với các lực lượng, như Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an), nhiều vụ lớn đã được phanh phui. Điển hình nhất là trong tháng 7 vừa qua, các lực lượng phối hợp tấn công vào kho hàng lậu, hàng giả 10.000 m2 ngay trung tâm TP.Lào Cai, tỉnh Lào Cai. Đây là vụ việc kinh doanh hàng lậu, hàng giả thông qua TMĐT lớn nhất từ trước tới nay mà lực lượng quản lý thị trường phát hiện và xử lý, với hơn 158.000 đơn vị sản phẩm và phải mất tới 4 ngày 4 đêm kiểm đếm, dùng tới 34 container để niêm phong hàng hóa vi phạm...
Trước tình trạng bán hàng giả tràn lan trên mạng xã hội, ông Linh kiến nghị Chính phủ, Bộ TT-TT xúc tiến làm việc với các đối tác công nghệ, như Facebook để hợp tác, xử lý nhanh các vấn đề liên quan tới bán hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ với những phương thức kinh doanh rất mới như livestream trên mạng xã hội này.
“Đội lốt” hàng Việt chủ yếu là hàng Trung Quốc
Ông Nguyễn Văn Cẩn, Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, cho biết điều tra của lực lượng này thời gian qua cho thấy đang có sự gia tăng đáng kể hàng hóa nước ngoài nhập về Việt Nam rồi dán nhãn mác hàng “Made in Vietnam” để xuất đi các nước mà Việt Nam có ký hiệp định thương mại nhằm hưởng ưu đãi thuế quan.
Nếu trên địa bàn, lĩnh vực nào để tội phạm, tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả xảy ra nghiêm trọng, phức tạp, kéo dài hoặc có cán bộ, công chức dưới quyền tiêu cực, tham nhũng phải tổ chức kiểm điểm nghiêm túc trách nhiệm người đứng đầu
Phó thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình
|
Các vi phạm gia tăng, song theo ông Cẩn, cái khó là hiện nay không có quy định rõ thế nào là hàng Việt Nam và tiêu chuẩn “Made in Vietnam”, nên cơ quan thực thi nhiệm vụ vẫn lúng túng trong xác định căn cứ pháp lý nhằm xử phạt. Mặc dù cơ quan này đã kiến nghị Bộ Công thương sớm có quy định chính thức thế nào là hàng “Made in Vietnam”, song theo Bộ Công thương phải đến tháng 6.2021 mới có thể “ra đời” quy định chính thức.
Điều đáng nói nữa là gần đây có tình trạng xuất hiện giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) giả để cấp cho các DN có nhu cầu chứng nhận. “Chúng tôi vừa phát hiện vụ việc cơ quan tổ chức không có thẩm quyền nhưng đã cấp 280 C/O cho 30 DN xuất khẩu trong nửa đầu năm. Hải quan đề nghị Bộ Công thương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - 2 đơn vị có thẩm quyền cấp C/O - thu hồi các chứng nhận này. Tới đây, vụ việc sẽ bị khởi tố”, ông Cẩn nói.
Báo cáo của Bộ Tài chính (cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo 389) cũng thừa nhận tình trạng trốn thuế nhập khẩu, thuế thu nhập DN qua khai báo gian dối về giá, chuyển giá vẫn diễn biến phức tạp. Cùng với đó là tình trạng lợi dụng chính sách quản lý rủi ro để buôn lậu, vận chuyển hàng cấm, hàng giả xuất xứ, vi phạm sở hữu trí tuệ... nhưng chưa có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.
Quy trách nhiệm người đứng đầu địa phương để tội phạm phức tạp
Phát biểu tại hội nghị, Phó thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý tình hình tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, gắn với sự thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý, thậm chí là tiêu cực, tham nhũng, bao che, tiếp tay của một bộ phận cán bộ, công chức tha hóa, biến chất.
Tăng cường “tuần tra”, giám sát trên mạng
|
Phó thủ tướng cũng lưu ý đẩy mạnh việc ứng dụng khoa học, công nghệ, kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan, lực lượng chức năng để nâng cao hiệu quả công tác. Mở rộng hợp tác quốc tế, trong đó tập trung nghiên cứu, đề xuất đàm phán, ký kết hoặc tham gia các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả. Các bộ, cơ quan chức năng thực hiện nghiêm, đúng quy định của pháp luật việc định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức, viên chức, đặc biệt là đối với các địa phương trọng điểm về tội phạm, buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả...
Bình luận (0)