'Nóng' thị trường đặt món trực tuyến

11/05/2018 10:35 GMT+7

Công ty Grab Việt Nam vừa ra mắt phiên bản thử nghiệm dịch vụ đặt thức ăn trực tuyến - GrabFood trong ứng dụng Grab, dự báo sự cạnh tranh sôi động sắp bùng nổ trong thị trường đầy tiềm năng này.

Một món cũng giao
Ngày 10.5, GrabFood chính thức được thử nghiệm trên phạm vi 5 quận (1, 3, 7, Bình Thạnh và Tân Bình) tại TP.HCM, với 500 đối tác là các nhà hàng, quán ăn ở 5 khu vực này.
Theo đó, khách hàng có thể đặt những món ăn ưa thích từ nhà hàng/quán ăn trong phạm vi danh mục đối tác của Grab. Khi thực hiện đặt món ăn trên GrabFood, ứng dụng sẽ tự động định vị vị trí khách hàng để đề xuất danh sách các nhà hàng ở gần họ. Khách hàng có thể theo dõi vị trí của đối tác tài xế ngay trên ứng dụng theo thời gian thực.
Đặc biệt, khách hàng có thể sử dụng tính năng GrabChat để trao đổi với tài xế về bất kỳ lưu ý nào cho món ăn, ví dụ không cay, để lạnh… tùy theo yêu cầu, ý thích.
Với GrabFood, khách hàng sẽ thanh toán bằng tiền mặt khi nhận thức ăn. Đại diện công ty cho biết không có yêu cầu về giá trị đơn hàng tối thiểu nên “dù bạn gọi 10 hay 1 ly trà sữa thì vẫn sẽ được nhân viên giao tới tận tay”.
Chi phí vận chuyển được tính bằng cước phí áp dụng với tính năng giao hàng hiện tại của Grab. Công ty cho biết sẽ đưa thêm lựa chọn không dùng tiền mặt thông qua GrabPay nhằm giúp thanh toán trực tiếp cho đối tác kinh doanh một cách liền mạch hơn và khách hàng có thể tích lũy điểm thưởng qua mỗi đơn hàng.
Thị trường tiền năng nhưng có “ngon ăn”?
Mô hình đặt đồ ăn trực tuyến không còn xa lạ đối với người dân các nước phát triển như Mỹ, châu Âu… Tuy nhiên, thị trường này ở Việt Nam còn khá nhiều dư địa khi mới chỉ có cuộc chạy đua của một vài cái tên như Vietnammm.com, Chonmon.vn, Eat.vn hay gần đây nhất là DeliveryNow.vn, khởi phát từ trang web ẩm thực Foody.vn.
Với tốc độ thương mại điện tử tăng trưởng mạnh như hiện nay, đặt món trực tuyến rõ ràng là thị trường có tiềm năng rất lớn. Nhưng đây hoàn toàn không phải bài toán dễ vì kinh doanh giao nhận thực phẩm tươi sống, trong đó có đồ ăn có biên độ lợi nhuận thấp do yêu cầu cao về các khâu bảo quản, giao hàng tận tay người dùng. Chưa kể đến chi phí không hề nhỏ đầu tư cho nguồn nhân lực giao hàng.
Minh chứng là đã có rất nhiều “tay đua” lớn tham gia đầu tư vào thị trường này nhưng đều thất bại. Điển hình như năm 2011, lần đầu tiên tại Việt Nam xuất hiện một trang web đặt món mang tên Eat. Tuy nhiên, sau thời gian ngắn hoạt động, trang web này đã phải “bán mình” cho VCCorp.
Hay trước đó, Foodpanda.vn cũng thể hiện quyết tâm chinh phục thị trường mới mẻ này tại Việt Nam bằng động thái xây dựng riêng một đội ngũ giao nhận, khoảng 100 người cho khu vực Hà Nội và TP.HCM. Nhưng do doanh thu chủ yếu đến từ hoa hồng các đơn hàng nên Foodpanda.vn phải chấp nhận “về chung một nhà” với Vietnammm.com.
Có thể thấy lợi thế của Grab hiện nay là sở hữu một lực lượng đông đảo đội ngũ nhân viên giao hàng sẵn có, tiềm lực kinh tế lớn cùng kinh nghiệm khi đã triển khai dịch vụ này tại Jakarta (Indonesia) vào năm 2016, thử nghiệm tại Bangkok (Thái Lan) vào năm 2017. Ông Jerry Lim, Giám đốc Grab Việt Nam cho biết với việc mua lại hoạt động kinh doanh của UberEats, giao nhận thức ăn là bước mở rộng tự nhiên của dịch vụ kết nối di chuyển mà Grab đang cung cấp. GrabFood là bước phát triển quan trọng của công ty nhằm tiến tới hệ thống phục vụ tất cả các nhu cầu thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của khách hàng...
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.