Né ngàn tỉ tiền thuế
Theo Bộ Tài chính, cơ quan thuế đã thực hiện thanh tra, kiểm tra 503.500 hồ sơ khai thuế, qua đó kiến nghị xử lý 62.660 tỉ đồng, trong đó thu vào ngân sách nhà nước 18.450 tỉ đồng và hiện đã thu nộp 13.500 tỉ đồng; chống chuyển giá, giảm lỗ 41.600 ngàn tỉ đồng.
|
Theo Tổng cục Thuế, Hiệp định tránh đánh thuế hai lần giữa Việt Nam - Singapore và luật Dân sự quy định, trường hợp giá trị bất động sản chiếm từ 50% giá trị tổng tài sản chuyển nhượng thì phải thực hiện nghĩa vụ thuế đối với hoạt động chuyển nhượng (kê khai và nộp thuế) ở nước sở tại. Trong thương vụ chuyển nhượng của Heineken, giá trị bất động sản chiếm hơn 50% giá trị tổng tài sản chuyển nhượng, do đó Công ty Heineken phải nộp thuế tại Việt Nam. Vào tháng 12.2019, Công ty TNHH Nhà máy bia Heineken Việt Nam đã nộp 917,2 tỉ đồng tiền thuế và chậm nộp vào ngân sách.
Trước đó, hai thương vụ chuyển nhượng vốn đình đám của hai "đại gia" bán lẻ có vốn ngoại gian lận thuế bị cơ quan thuế Việt Nam truy thu được hơn 4.000 tỉ đồng gây xôn xao dư luận là Công ty Metro Cash & Carry Việt Nam (Metro Việt Nam) và hệ thống siêu thị Big C đã bị ngành thuế phát hiện hành vi lợi dụng chuyển giá để trốn thuế. Với Metro Việt Nam, công ty bắt đầu đi vào kinh doanh từ tháng 3.2002, liên tục mở rộng hệ thống trải dọc các tỉnh, thành trên cả nước nhưng hơn chục năm trời, từ năm 2002 - 2013, đơn vị này kê khai lỗ với tổng số tiền 1.657 tỉ đồng và chỉ duy nhất 1 năm lãi 173 tỉ đồng. Xác định có dấu hiệu chuyển giá, thanh tra Tổng cục Thuế đã vào cuộc và qua thanh tra, cơ quan này đã yêu cầu công ty điều chỉnh giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu tổng số tiền 507 tỉ đồng.
Đặc biệt, cơ quan thuế buộc doanh nghiệp này điều chỉnh giảm lỗ đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại, chi phí không phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh, chi phí dự phòng giảm giá hàng tồn kho, chi phí trích lập dự phòng nợ phải thu khó đòi chưa đảm bảo điều kiện thủ tục là 335 tỉ đồng. Cụ thể, chi phí nhượng quyền thương mại giai đoạn 2001 - 2013 lên tới 731 tỉ đồng. Thanh tra bóc tách và loại khỏi chi phí hợp lý khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp đối với khoản chi phí nhượng quyền thương mại cho Công ty Metro AG (Đức) số tiền 7,5 tỉ đồng trong năm 2012 - 2013. Tiếp đó, thanh tra phát hiện trong vòng 3 năm, Metro Việt Nam đã cố tình không đăng ký hoạt động nhượng quyền thương mại với Bộ Công thương nhưng vẫn đưa vào hạch toán chi phí này. Từ đó, thanh tra thuế buộc phải điều chỉnh giảm chi phí này với số tiền 245 tỉ đồng. Bên cạnh đó, khi thực hiện thương vụ chuyển nhượng thương hiệu cho Tập đoàn Berli Jucker (BJC) Thái Lan, cơ quan thuế đã chính thức thu được 1.911 tỉ đồng tiền thuế của Công ty Metro.
Tương tự, siêu thị Big C từ Tập đoàn Casino (Pháp) cho đại gia bán lẻ Thái Lan Central Group vào tháng 4.2016 với trị giá hơn 1 tỉ euro nhưng không chủ động nộp thuế. Chỉ đến khi Tổng cục Thuế có tối hậu thư như nếu không nộp thuế, sẽ không cho đổi chủ, bên bán đã phải ủy quyền cho bên mua nộp thuế thay với hơn 2.000 tỉ đồng.
Cách “cá lớn” né thuế
Theo báo cáo đánh giá thực trạng hoạt động của doanh nghiệp FDI và chính sách ưu đãi tài chính của Bộ Tài chính từ 2012 - 2017, doanh thu và lợi nhuận trước thuế của khối này tăng đều qua các năm, nhưng tỷ lệ doanh nghiệp báo lỗ, lỗ lũy kế và lỗ mất vốn tăng cao qua các năm và chưa có dấu hiệu giảm. Số liệu phân tích báo cáo tài chính doanh nghiệp FDI giai đoạn 2012 - 2017 cho thấy số lượng doanh nghiệp báo lỗ hằng năm là 44 - 52%, đặc biệt năm 2017 lên cao nhất.
Ông Trần Xoa, Giám đốc Công ty luật Minh Đăng Quang, cho biết các doanh nghiệp FDI lớn có quy mô toàn cầu nhưng nhiều khi báo lỗ triền miên năm này qua năm khác để né thuế, chuyển giá về nước đã gây bức xúc cho doanh nghiệp trong nước, ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh. Doanh nghiệp có nhiều cách để chuyển giá, né thuế. Chẳng hạn như chuyển giá qua hình thức tập đoàn mẹ cho công ty con tại Việt Nam vay với lãi suất cao. Khi công ty con chuyển phần lãi trả cho công ty mẹ chỉ phải đóng 5% thuế nhà thầu, đồng thời chi phí này còn được trừ ra trước khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp 20%.
Đây là cách mà Công ty TNHH một thành viên Keangnam - Vina (Hàn Quốc) đã từng thực hiện những năm trước. Từ năm 2007 - 2011, doanh nghiệp này liên tục báo lỗ. Thậm chí năm 2011, công ty có doanh thu từ dự án Landmark Tower trên 5.200 tỉ đồng, nhưng lỗ hơn 140 tỉ đồng. Từ tháng 5.2007, Công ty Keangnam - Vina ký hợp đồng vay vốn từ Ngân hàng Kookmin Bank (một đơn vị thành viên trong Tập đoàn Keangnam Hàn Quốc) lên đến 400 triệu USD. Lãi suất vay mà công ty trả cho ngân hàng là 12%/năm (trong khi các ngân hàng trong nước cho vay USD chỉ 5 - 7%/năm) dẫn đến lãi vay và chi phí tài chính của việc vay đã lên tới trên 2.000 tỉ đồng. Tuy nhiên theo ông Trần Xoa, chiêu này đã bị Nghị định 20 của Chính phủ quản lý về thuế đối với giao dịch liên kết khống chế tỷ lệ lãi vay 20% hóa giải. Do đó nhiều tập đoàn lớn hiện nay né bằng cách kê khai giá nguyên liệu, hương liệu cung cấp đầu vào cho doanh nghiệp trong nước cao lên để giảm số thuế phải nộp với lý do “bí quyết nghiên cứu”, tính cả sở hữu trí tuệ..., do đó cơ quan thuế sẽ khó có cơ sở giá tính thuế.
Bình luận (0)