Online hóa cuộc sống

Mai Phương
Mai Phương
15/10/2020 06:17 GMT+7

Họp online, học online, mua hàng online, thanh toán dịch vụ công online… tất cả thói quen và giao dịch hằng ngày đều thay đổi nhanh chóng trong đại dịch Covid-19 và tiếp tục trở thành xu hướng tất yếu tại Việt Nam.

3 dịch vụ, tiết kiệm 2.000 tỉ đồng/năm

Từ những ngày đầu tháng 9, hàng trăm dịch vụ dân sinh thiết yếu trong lĩnh vực dịch vụ công của 38 tỉnh, thành phố đã được tích hợp trên Cổng dịch vụ công quốc gia (DVCQG).

Chính phủ gia tăng họp trực tuyến

Nhiều tháng qua các cuộc họp thường xuyên, họp đột xuất hay họp giao ban hằng tháng của Chính phủ với các bộ ban ngành, các tỉnh thành hay với DN trên toàn quốc đều diễn ra trực tuyến. Chẳng hạn mới nhất là cuối tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Ủy ban Quốc gia về chính phủ điện tử đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các Ban chỉ đạo xây dựng chính phủ điện tử bộ, ngành và Ban chỉ đạo xây dựng chính quyền điện tử 63 tỉnh, thành phố.
Hay chỉ trước đó vài ngày cũng trong tháng 8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc họp trực tuyến với các bộ, ngành địa phương để thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công… Tương tự, trước tình hình dịch bệnh Covid-19, Quốc hội nước ta cũng lần đầu tiến hành họp trực tuyến trong năm nay sau 75 năm hoạt động và là nước thứ 4 áp dụng hình thức này. Họp trực tuyến nhằm không tập trung quá đông người, phòng chống dịch Covid-19 nhưng điều đó đã góp phần tiết kiệm được thời gian, chi phí của các cơ quan nhà nước.
Theo Bộ Tài chính, nếu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm ít nhất 30% kinh phí hội nghị, công tác phí trong nước và 50% công tác phí nước ngoài thì ước tính chỉ riêng các cơ quan trung ương đã tiết kiệm được khoảng 700 tỉ đồng mỗi năm.
Đặc biệt, người dân và các doanh nghiệp (DN) khi thực hiện thủ tục hành chính công của những tỉnh, thành này đều có thể lựa chọn các loại ví điện tử, ngân hàng để ngồi nhà thanh toán nhanh chóng, an toàn. Chẳng hạn như nộp phạt vi phạm giao thông; Đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; Thanh toán tiền điện; Nộp thuế cá nhân hay thuế DN…
Nếu như trước đây để nộp phạt vi phạm giao thông, người dân phải đến kho bạc hoặc ra ngân hàng để đóng tiền, rồi sau đó đến cơ quan công an nộp biên lai mới hoàn tất quy trình đóng phạt. Thậm chí, với các trường hợp vi phạm ngoài tỉnh, người dân còn phải quay lại nơi bị phạt để thực hiện việc nộp phạt nên mất nhiều thời gian. Chính điều đó dễ dẫn đến tâm lý thỏa thuận khi phát sinh vi phạm. Thì nay, việc đóng phạt bằng ví điện tử hay qua ngân hàng sẽ giúp toàn bộ quy trình rườm rà nêu trên trở nên nhanh chóng, vừa tiết kiệm thời gian vừa giúp tăng minh bạch trong quá trình xử phạt. Bên cạnh đó, Tổng cục Thuế cũng vừa triển khai dịch vụ đóng lệ phí trước bạ với ô tô, xe máy ngay trên Ví điện tử MoMo, giúp hàng triệu người dân không phải mang theo lượng tiền mặt lớn, mất an toàn khi làm thủ tục này…
Theo Văn phòng Chính phủ, khi người dân, DN có thể ngồi tại nhà để khai, nộp lệ phí trước bạ; đồng thời, chỉ cần đến cơ quan công an một lần để bấm biển số và lấy biển số, giấy chứng nhận đăng ký xe dù chỉ mới thí điểm đối với xe sản xuất, lắp ráp trong nước tại Hà Nội và TP.HCM thì ước tính chi phí tiết kiệm được của xã hội tối thiểu khoảng hơn 327 tỉ đồng/năm. Hay dịch vụ liên thông đăng ký điều chỉnh đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và báo cáo tình hình thay đổi lao động sẽ giúp DN cắt giảm thủ tục báo cáo, tiết kiệm được ít nhất 2 ngày công/năm; giúp chia sẻ thông tin, dữ liệu về quản lý lao động giữa các cơ quan đảm bảo việc thực hiện tốt hơn… Từ đó chi phí tiết kiệm của xã hội hằng năm tối thiểu khoảng hơn 344 tỉ đồng/năm.
Tương tự, việc đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp trực tuyến cũng giúp mỗi tháng đơn vị sử dụng lao động tiết kiệm được ít nhất 1 ngày công; giúp số tiền tiết kiệm của toàn xã hội khoảng hơn 1.329 tỉ đồng/năm.
Chỉ riêng 3 dịch vụ này được tích hợp tại Cổng DVCQG đã giúp cả nước mỗi năm cũng tiết kiệm khoảng 2.000 tỉ đồng.
Như vậy với hơn 1.000 dịch vụ công trực tuyến, cả nước sẽ tiết kiệm được một nguồn lực khổng lồ, đồng thời hỗ trợ cho hoạt động từ cơ quan nhà nước đến DN, người dân thuận lợi hơn.

Mua bán online thúc đẩy thanh toán trực tuyến nhiều hơn

Ít nhất mỗi tuần 1 lần, 2 chị em Cẩm (sinh viên tại TP.HCM) đều đặt mua trà sữa qua một app (ứng dụng) trên điện thoại di động. Thói quen này đã có từ đầu tháng 3 khi dịch Covid-19 diễn ra khiến chị em Cẩm không thể đến quán trà sữa quen thuộc. Sau này khi TP.HCM đã trở lại hoạt động bình thường, chị em Cẩm vẫn tiếp tục đặt hàng qua app vì được giảm từ 20 - 25% so với giá ly nước uống ngay tại quán.
“Ly trà sữa đường đen trân châu ở quán ghi giá 40.000 đồng, nhưng nếu mua qua app chỉ còn 25.000 - 27.000 đồng tùy thời điểm. Nếu tính thêm phí ship thì cũng chỉ lên 30.000 đồng/ly, rẻ hơn so với ra quán nên tội gì mà không mua online? Nhiều đồ ăn khác cũng hay có khuyến mãi như vậy nên thích lắm ạ, em toàn mua qua app”, Cẩm chia sẻ.
Tương tự, dù làm ở một tòa nhà văn phòng ngay trung tâm TP.HCM, nhưng hằng tuần tối thiểu có 2 - 3 buổi chị An và một số đồng nghiệp đều đặt mua đồ ăn trưa qua các ứng dụng. Từ bún, mì quảng, gỏi cuốn, cơm tấm đến miến, mì xào, món ăn Nhật, Hàn… chỉ cần vài thao tác trên điện thoại và trong khoảng 30 phút là giao ngay. Việc đặt món ăn khiến An và các đồng nghiệp không phải chạy xe ngoài đường với cái nắng gay gắt ban trưa hay bị tạt mưa vào những ngày giông gió.
Không chỉ đồ ăn, thức uống, giai đoạn dịch mà hầu như toàn bộ đồ tiêu dùng đều được đặt qua mạng. Trong mùa dịch, hầu hết các sàn thương mại điện tử như Lazada, Shopee, Tiki, Sendo… đều có lượng đơn hàng tăng mạnh. Hình ảnh hàng chục anh chàng shipper mặc đồng phục xanh, đỏ, vàng ra vô đưa hàng trước các tòa cao ốc văn phòng đã trở nên quen thuộc hơn giữa lòng TP.HCM. Mua bán online hay các dịch vụ công trực tuyến cũng góp phần thúc đẩy thanh toán trực tuyến nhiều hơn.

Thanh toán không tiền mặt nhiều hơn

Thanh toán qua app tại một quán cà phê

Theo Công ty CP thanh toán quốc gia Việt Nam (NAPAS), 6 tháng đầu năm 2020, tổng số lượng và tổng giá trị giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt qua hệ thống này tăng lần lượt 138% và 140,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy đã có sự dịch chuyển lớn từ thói quen rút tiền mặt sang giao dịch thanh toán cũng như giao dịch chuyển tiền điện tử trong các hoạt động hằng ngày của người dân.
Tương tự, Công ty thanh toán điện tử Visa cho biết giao dịch không tiếp xúc trong 6 tháng đầu năm 2020 tại Việt Nam đã tăng kỷ lục hơn 500% so với 6 tháng đầu năm 2019. Đây là phương thức mà người dùng chỉ cần chạm thẻ hoặc điện thoại lên máy đọc thẻ POS. Việc thanh toán này dần dần trở nên phổ biến, nhất là khi đại dịch Covid-19 đã khiến các đơn vị chấp nhận thẻ đang tìm cách để có thể phục vụ khách hàng một cách an toàn. Số liệu từ khảo sát thái độ thanh toán người tiêu dùng Việt Nam gần đây do Visa thực hiện cho thấy hiện tại có 37% người tiêu dùng đang sử dụng thanh toán thẻ không tiếp xúc. Trong đó có 85% người cho rằng họ thường xuyên sử dụng phương thức thanh toán này ít nhất một lần một tuần.
Theo ước tính của đơn vị cung cấp ví điện tử MoMo, số người dùng mới của ứng dụng này đã tăng 30 - 40% trong đợt dịch Covid-19 và số lượng thanh toán các dịch vụ cũng gia tăng. Nếu đầu năm 2015, lượng người dùng Ví MoMo ở mức 500.000 người dùng, thì sau 5 năm, con số này đã tăng gấp 40 lần, đạt 20 triệu tài khoản. Hoặc ghi nhận của Shopee, giao dịch qua ví AirPay của người dùng trên 50 tuổi tăng 15% trong thời gian gần đây dù người dùng lớn tuổi thường khó thích nghi với hình thức thanh toán số hóa.
Ông Nguyễn Dũng, Phó chủ tịch kiêm Trưởng văn phòng đại diện Hiệp hội Thương mại điện tử VN tại TP.HCM, ước tính lượng giao dịch mua bán qua các sàn thương mại điện tử, các trang bán hàng từ đầu năm đến nay tăng khoảng 35%. Hiện các chợ online đều tích cực chủ động đi các tỉnh thành để kết nối, khuyến khích người bán đưa hàng lên mạng để tăng nguồn hàng cung cấp cho người dùng. Rất nhiều người trước đây chưa mua đồ qua mạng thì giờ đây đã biết đặt món ăn trực tuyến, đi chợ online vì trong thời điểm giãn cách xã hội không còn chọn lựa nào khác. Với các DN thì câu chuyện làm thế nào để bán hàng trực tuyến, kinh doanh thương mại điện tử đã được nhắc đến thường xuyên và cụ thể.
“Việc bán hàng qua mạng không thể đơn giản làm được ngay mà phải có sự chuẩn bị, đầu tư nghiêm túc. Vì vậy khi dịch Covid-19 xảy ra, những công ty chưa chuẩn bị cho hoạt động này chỉ biết ngồi khóc ròng bởi những đơn vị đã có nền tảng, đã bán hàng online thì tiếp tục phát triển. Do đó giờ đây các DN không thể thờ ơ mà đang lăn xả vào làm thương mại điện tử nói riêng và chuyển đổi số nói chung bởi vì nếu không họ sẽ chết chắc”, ông Nguyễn Dũng nói.

Hội họp xuyên biên giới

Không chỉ giao dịch online trong nước mà các hội nghị xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam với các nước… cũng lần đầu tiên diễn ra trong năm nay, đặc biệt trong lĩnh vực nông sản, thực phẩm đều chuyển sang giao thương trực tuyến. Tại những buổi giao lưu giữa các DN bán hàng nông sản Việt Nam với các đối tác Trung Quốc, có nhiều lượt giao dịch và kết nối với các đầu mối sản xuất, cung ứng vật tư, nguyên liệu… đã thành công.
Tương tự cũng lần đầu tiên, buổi giao thương trực tuyến của các DN da giày Việt Nam với hơn 60 nhà nhập khẩu tại Mỹ được tổ chức vào cuối tháng 5 và mọi thông tin về thị trường tiêu thụ, cung ứng sản phẩm đã được trao đổi chi tiết. Hay thường lệ vào tháng 9 hằng năm, Hiệp hội Bông Mỹ thường tổ chức các buổi kết nối giữa các đối tác và các DN khách hàng bằng việc tổ chức Hội chợ Ngày hội ngành bông - Cotton Day Vietnam. Tuy nhiên, do dịch bệnh nên Hiệp hội Bông Mỹ quyết định tổ chức hội chợ năm nay bằng hình thức trực tuyến trên nền tảng công nghệ thực tế ảo…
Khi Hội chợ quốc tế đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam (VIFA Expo 2020) phải ngừng lại vì tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, các thành viên trong Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TP.HCM đã xây dựng showroom ngành gỗ với tên gọi HOPE (HAWA Online Platform for Exhibition) và chính thức đưa vào hoạt động từ 7.8. Thông qua nền tảng HOPE, chi phí mà DN bỏ ra để đưa nhà máy và showroom rộng 300 m2 lên không gian ảo chưa đến 10 triệu đồng. Chi phí không cao, nhưng khách hàng lại dễ dàng thấy từng ngóc ngách và chi tiết từng sản phẩm. Từ đó nhiều DN cũng sẽ tiếp cận được khách hàng nước ngoài và chốt đơn thành công…
Th.S Huỳnh Phước Nghĩa, Phó viện trưởng Viện Đổi mới sáng tạo Trường đại học Kinh tế TP.HCM, nhận định hơn 10 năm qua, các DN trong nước nhìn quá trình ứng dụng công nghệ thông tin hay chuyển đổi số chỉ là câu chuyện của tương lai. Thế nhưng, khi dịch Covid-19 ập đến, mọi hoạt động chỉ còn cách duy nhất là diễn ra trên môi trường internet. Điều đó bắt buộc các DN phải điều chỉnh nhận thức và thay đổi nhanh mô hình kinh doanh của mình. Làm thế nào để ứng dụng được ngay nền tảng công nghệ, tiếp thu những ứng dụng mới để thích nghi với môi trường kinh doanh hoàn toàn khác biệt, xây dựng nền tảng về chất lượng lao động, chuyển năng lực thực hiện hay xử lý các vấn đề trên nền tảng công nghệ; xây dựng các giải pháp tương tác với khách hàng... là những việc mà DN phải thực hiện.
Đặc biệt hơn, ông Nghĩa nhấn mạnh các DN phải có tinh thần lãnh đạo trong quá trình chuyển đổi số, trở thành người đi tiên phong, sẵn sàng tái cấu trúc các bộ phận trong công ty theo hoạt động mới này. Ngay cả bản thân Chính phủ, các cơ quan quản lý nhà nước cũng cần thay đổi nhanh hơn trong việc số hóa, thực hiện các dịch vụ công tương tác, kết nối với DN nhiều hơn song song với những dịch vụ công mang tính dân sự hiện nay. Bởi khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại song phương, đa phương với nhiều nước thì sắp tới mọi hoạt động đều phải dựa trên nền tảng số hóa chung… t
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.