'Phạt nguội' trừ tiền vào tài khoản chủ xe?

30/06/2018 08:02 GMT+7

Kiến nghị của UBND TP.Hà Nội mới đây về việc chủ phương tiện đăng ký ô tô phải có số tài khoản để bảo đảm công an “phạt nguội” nếu vi phạm an toàn giao thông đã gây nhiều tranh luận.

Cơ quan quản lý muốn “có tóc mà nắm”
Xét về chủ trương tiến đến xã hội không dùng tiền mặt, nhiều ý kiến ủng hộ kiến nghị này và cho rằng, đây là cách minh bạch trong xử phạt vi phạm an toàn giao thông, hạn chế gần như tuyệt đối hiện tượng tham nhũng vặt trong ngành giao thông.
Chuyên gia giao thông Nguyễn Hữu Nguyên, Hội Quy hoạch phát triển đô thị VN, cho rằng: “VN mình xưa nay có thói quen sử dụng tiền mặt cho mọi giao dịch, vi phạm an toàn giao thông thì thường nộp phạt tại chỗ hoặc lên trụ sở cảnh sát giao thông mà nộp. Nhưng cách làm này dần dần buộc phải thay đổi, các nước đã không sử dụng tiền mặt, vi phạm phạt hành chính đều phải được chuyển từ tài khoản. Ngay cả bà nội trợ các nước cũng sử dụng thành thạo các phần mềm để thanh toán mua bán tại chợ. Các nước làm được sao ta không làm được?”. Tuy nhiên, ông Nguyên cũng nhấn mạnh quan trọng là bản chất của việc phạt thế nào chứ không phải phương tiện nộp phạt thế nào.
Biện pháp này cũng được coi là cách tránh trường hợp nhiều cá nhân chây ì trong việc nộp phạt vi phạm giao thông cho dù đã có “trát” của ngành gửi về tận nhà. Đây cũng là cách giúp nhà quản lý “có tóc mà nắm” trong các trường hợp vi phạm nhưng không chịu đóng phạt.
Cần xem xét tính hợp pháp, hợp lý
Chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, trong một môi trường pháp lý còn nhiều khiếm khuyết hiện nay, việc buộc chủ xe có tài khoản cũng có lý. Tuy nhiên, ông lưu ý mọi việc phải tuân theo pháp luật và cách làm này đang trái luật liên quan ngành ngân hàng.
Ông Hiếu phân tích, xét về luật pháp, quyền bảo mật thông tin của cá nhân, thì đề xuất này đang vi phạm. Bởi không có tổ chức cá nhân nào có quyền yêu cầu ngân hàng tự động trích xuất tiền từ tài khoản của người khác khi không có sự đồng ý của chủ tài khoản. Ông Hiếu ví dụ: “Chẳng hạn, theo đề xuất của Hà Nội, khi một người vi phạm luật giao thông và bị xử phạt 300.000 đồng nhưng không nộp, vậy công an sẽ yêu cầu ngân hàng tự động chuyển 300.000 đồng từ tài khoản cá nhân ấy về cho công an hay thế nào? Quy định đó không phù hợp mà cũng không có nhiều ý nghĩa cho các hoạt động như hạn chế tình trạng vi phạm giao thông”.
Đồng quan điểm, luật sư Trương Thanh Đức, Trung tâm trọng tài quốc tế VN (VIAC), cho rằng pháp luật hiện chưa có quy định nào bắt buộc công dân phải mở tài khoản ngân hàng, nên quy định trên không phù hợp. Việc mở tài khoản hay không là lựa chọn của mỗi người dân. Còn nếu nói đến sự bắt buộc hay mọi sự hạn chế quyền tự do của người dân đều phải được thông qua bằng luật.
“Không có bộ ngành nào tự ban hành các quy định này, thậm chí kể cả Chính phủ, mà phải do Quốc hội ban hành. Bên cạnh đó, chỉ khi nào tất cả mọi giao dịch trong xã hội với nhà nước đều thực hiện thông qua ngân hàng thì mới nên xem xét đưa ra yêu cầu này”, LS Trương Thanh Đức nêu quan điểm và phân tích thêm, nếu quy định mở tài khoản đó chỉ phục vụ việc xử phạt vi phạm giao thông thì không hợp lý, vì người dân phải nộp vào đó một khoản tiền, nếu không sử dụng sẽ gây lãng phí. Hoặc bắt ký quỹ trong tài khoản năm bảy triệu đồng nhưng người vi phạm bị xử phạt đến 20 - 30 triệu đồng thì thế nào? Hoặc trường hợp chủ xe không vi phạm nhưng phí mở và duy trì tài khoản hằng tháng họ vẫn phải chịu.
Luật sư Trương Thanh Đức nói thêm: “Nếu muốn triển khai để minh bạch, chống tham nhũng, cần xây dựng một quy trình khép kín trong việc trả tiền qua tài khoản ngân hàng đối với những khoản như phí bảo trì đường bộ, đăng kiểm, mua xăng… Còn chuyện nộp phạt giao thông là một khoản tiền nhỏ so với các khoản trên và số lượng vi phạm là không nhiều”.
Người dân làm thủ tục để nộp phạt vi phạm giao thông tại cảnh sát giao thông Ảnh: Độc Lập
Công an chỉ là đơn vị lập chứng cứ vi phạm
Có một điều mà qua trao đổi, nhiều chuyên gia tỏ ý lo ngại cho quyền được “nói lại” của người dân sẽ bị hạn chế nếu trao quyền cảnh sát giao thông vừa lập biên bản vi phạm, vừa yêu cầu trừ tiền thẳng từ tài khoản của người vi phạm.
“Tính minh bạch, phi tiền mặt... sẽ giúp hạn chế tham nhũng chứ không phải chọn “xông” vào tài khoản cá nhân để trừ tiền phạt họ bằng mọi cách là chống được tham nhũng. Nếu cho cơ quan công quyền được phép trừ tiền từ tài khoản cá nhân, trường hợp họ phạt đúng, chủ phương tiện vi phạm thật, cũng không khiến người dân phục bởi họ không có cơ hội bày tỏ chính kiến”, TS Hiếu nhận xét.
Rõ ràng, khi chọn hình thức tăng “phạt nguội”, cơ quan chức năng chứng tỏ một điều rằng xử phạt “nóng” đang chưa mang lại hiệu quả thực sự như mong muốn. Còn đâu đó tình trạng bị nợ tiền phạt không trả hoặc chây ì, hoặc trốn tránh… PGS-TS Phạm Văn Hùng, Phó phân viện trưởng Viện Khoa học công nghệ giao thông vận tải phía nam, cho rằng có thể cơ quan ra quyết định xử phạt và phạt đang “ôm” quá nhiều việc nên quá tải.
“Cơ quan công an chỉ có quyền ghi nhận thu nhập chứng cứ phạm lỗi của chủ phương tiện hoặc nhắc nhở người vi phạm nếu vi phạm nhẹ. Còn lại, mọi thông tin vi phạm phải chuyển đến bên thứ 3. Một cơ quan hành pháp là tòa án để quyết định ra lệnh xử phạt hay không. Theo tôi, vấn đề không phải yêu cầu mở tài khoản hay không đối với người mua ô tô, mà chúng ta cần phân chia lại trách nhiệm công việc. Người tìm và phát hiện lỗi của người dân là thuần chuyên môn, cung cấp chứng cứ. Còn chuyện thu sau đó sẽ dễ dàng hơn nếu có sự tham gia của bên thứ 3 là tòa án. Việc nộp phạt sau đó là quẹt thẻ hay tiền mặt là chuyện khác. Các nước đều làm vậy, VN nên nghĩ đến cách làm này trong xử phạt vi phạm an toàn giao thông càng sớm càng tốt”, PGS-TS Phạm Văn Hùng chia sẻ.
>> ‘Phạt nguội’ trừ tiền vào tài khoản chủ xe?: Để tòa án quyết định xử phạt
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.