‘Phạt nguội’ trừ tiền vào tài khoản chủ xe?: Để tòa án quyết định xử phạt

30/06/2018 08:05 GMT+7

Mô hình xử phạt an toàn giao thông của các nước phát triển như Mỹ, Pháp, Singapore... đang được nhiều chuyên gia khuyên VN nên áp dụng nhằm giảm tải vi phạm giao thông.

Thậm chí mô hình này còn giúp giảm nạn kẹt xe triền miên tại các đô thị mà nguyên nhân đến từ ý thức tham gia giao thông của chủ phương tiện.
Theo đó, tại Mỹ, với những người vi phạm như vượt đèn đỏ, chạy quá tốc độ quy định, đỗ xe vào chỗ cấm đỗ xe… thường cảnh sát giao thông sẽ chụp lại hình ảnh, bằng chứng, song song đó là gửi thông báo tới địa chỉ của chủ phương tiện được tra trên mạng theo biển số xe để yêu cầu người vi phạm ra tòa giao thông. Hoặc với các trường hợp xe đỗ tại chỗ vi phạm thì thường thông báo được “nhét” tại vị trí nào trên xe để chủ phương tiện dễ nhìn thấy nhất.
Sau đó, mọi việc như triệu tập người vi phạm, tiến hành phạt hay không, xét xử thế nào, ban hành kết luận vi phạm ra làm sao đều do cơ quan tòa án thực hiện. Trong đó, cảnh sát giao thông nếu có được triệu tập ra tòa chỉ là vai trò nhân chứng cho sai phạm của người dân.
TS Nguyễn Trí Hiếu thông tin thêm, ngay sau khi có bản án xử phạt của tòa, chính người vi phạm cũng phải tự động đi nộp phạt bằng tiền mặt hay ký séc. Cũng rất hiếm người nộp phạt thông qua ngân hàng. Ngoài ra, nếu người vi phạm chây ì không nộp phạt, phía cảnh sát giao thông có quyền thu hồi bằng lái xe ngay lập tức. Hình phạt này sẽ gây khó khăn nhiều hơn cho chủ phương tiện, buộc họ phải tuân thủ luật. Việc mở tài khoản hay không khi mua xe sẽ không có ý nghĩa gì nhiều trong trường hợp cả người tham gia giao thông và cơ quan hành pháp tuân thủ luật nghiêm ngặt.
Thực tế, việc xử phạt các vi phạm an toàn giao thông tại quốc gia nào cũng nhiều, nên việc triệu tập người vi phạm ra tòa để nghe lệnh phạt cũng ít khi xảy ra. Nhiều trường hợp tòa xử vắng mặt chủ phương tiện, chỉ gửi lệnh phạt về nhà là xong. Theo các chuyên gia, VN nên cấm tuyệt đối việc cảnh sát giao thông thu tiền phạt tại chỗ đối với người vi phạm. Khi đó, cảnh sát giao thông chỉ biết toàn tâm toàn ý lo thi hành công vụ, bảo đảm trật tự an toàn và tính nghiêm minh của phát luật.
“Các quốc gia phát triển chọn biện pháp “phòng bệnh”, tức là hệ thống luật nghiêm minh, hơn là “chữa bệnh” bằng một số giải pháp tìm mọi cách để thu sai luật”, luật sư Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Hãng luật IAM, nêu quan điểm và gợi ý với VN, trước mắt do chưa phát triển thành xã hội phi tiền mặt ngay lập tức thì các quyết định xử phạt vi phạm an toàn giao thông nên giao cho tòa án. Từ tòa án sẽ chuyển về các phường, xã để “tống đạt” quyết định phạt.
Việc phạt này gắn với một số quyền lợi khác, như nếu người vi phạm không chấp hành, sẽ bị phạt nặng hơn chẳng hạn. Hoặc cách thứ 2, với các trường hợp vi phạm nặng, thu bằng lái, mời lên tòa xử. Việc này được tiến hành hết sức gọn nhẹ tại tòa cấp cơ sở. Trước phiên xử, chủ phương tiện phải cung cấp đầy đủ thông tin cá nhân, tài khoản cho tòa. Nếu vi phạm thật, tòa tiến hành yêu cầu trừ tiền phạt từ tài khoản của chủ phương tiện. Nếu không đồng ý, chủ phương tiện có thể khởi kiện trong một vụ án khác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.