Theo bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc Ngân hàng nhà nước, sau hội nghị triển khai nhiệm vụ ngân hàng năm 2018, Thống đốc Lê Minh Hưng đã định hướng năm nay, ngành ngân hàng tiếp tục phấn đấu giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế, theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng.
Cụ thể, theo chỉ đạo, Ngân hàng nhà nước bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, ngoại hối để xem xét, cân nhắc điều chỉnh linh hoạt lãi suất trên thị trường mở (OMO) nhằm hỗ trợ tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay, với thời điểm và liều lượng phù hợp; đồng thời, yêu cầu các tổ chức tín dụng vào cuộc.
Ngay sau đó, trên cơ sở cân đối tổng thể cung - cầu, Ngân hàng nhà nước đã điều chỉnh giảm mức niêm yết lãi suất chào mua OMO từ 5%/năm xuống còn 4,75%/năm để hỗ trợ các tổ chức tín dụng có điều kiện giảm lãi suất cho vay.
|
Các chỉ đạo và chính sách nói trên đã được thị trường phản ứng tích cực. Theo đó, 4 ngân hàng thương mại nhà nước (Vietcombank, Agribank, Vietinbank và BIDV) đã thực hiện điều chỉnh giảm ngay 0,5%/năm lãi suất cho vay ngắn, trung, dài hạn đối với khách hàng tốt thuộc các lĩnh vực ưu tiên.
Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) cũng điều chỉnh giảm 0,5-1%/năm lãi suất cho vay đối với khách hàng là các doanh nghiệp nhỏ và vừa hoạt động tốt trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến, chế tạo và môi trường.
Cũng theo bà Hồng, Thống đốc đã chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiếp tục rà soát và cân đối khả năng tài chính để áp dụng mức lãi suất cho vay hợp lý, trên cơ sở lãi suất huy động và mức độ rủi ro của khoản vay, tiết giảm chi phí hoạt động, nâng cao hiệu quả kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay, nhằm chia sẻ khó khăn với khách hàng vay.
“Thời gian tới, Ngân hàng nhà nước tiếp tục điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ hỗ trợ tổ chức tín dụng thực hiện các giải pháp để phấn đấu giảm lãi suất cho vay trên cơ sở đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh tài chính", bà Hồng cho biết.
Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước, hiện mặt bằng lãi suất huy động VND phổ biến ở mức 0,8-1%/năm đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng; 4,3 -5,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng; 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng; kỳ hạn trên 12 tháng ở mức 6,5-7,3%/năm.
Mặt bằng lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-6,5%/năm đối với ngắn hạn, các ngân hàng thương mại nhà nước áp dụng lãi suất cho vay trung và dài hạn phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 9-10%/năm.
Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn; 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn. Đối với nhóm khách hàng tốt, tình hình tài chính lành mạnh, minh bạch, lãi suất cho vay ngắn hạn từ 4-5%/năm.
Hiện, lãi suất cho vay USD phổ biến ở mức 2,8-6,0%/năm; trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn phổ biến ở mức 2,8-4,7%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn ở mức 4,6-6,0%/năm.
tin liên quan
Ngân hàng chính thức tính lãi năm là 365 ngày
Bình luận (0)