Xuất phát từ việc nuôi chơi vài cặp bồ câu cho vợ, con bồi dưỡng, sau gần 8 năm, anh Trần Công Chiến (36 tuổi, ngụ xã Minh Long, H.Chơn Thành, Bình Phước) đã làm chủ một trại chim bồ câu Pháp lên đến gần 20.000 con, trong đó có 10.000 cặp chim bố mẹ với thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi tháng.
Từ nuôi vài cặp chơi… bồi dưỡng cho vợ con
Đại úy Trần Công Chiến hiện công tác tại Tiểu đoàn huấn luyện cơ động, Bộ đội Biên phòng tỉnh Bình Phước. Từ cuối năm 2012, do đặc thù công việc thường xuyên phải ở đơn vị, sống xa nhà, vợ con, cuộc sống lúc đầu nhiều khó khăn, anh đã mua vài cặp bồ câu về cho vợ nuôi vừa là thú vui vừa là cách “tăng gia”, lâu lâu vợ con có thịt bồ câu để bồi dưỡng.
|
|
“Chim bồ câu Pháp sức đề kháng mạnh hơn gà, sinh sản rất nhanh. Mỗi tháng 1 cặp có thể sinh sản một 1 cặp chim con, đồng thời gối đầu một cặp trứng nữa, tiếp tục ấp cho lứa sau. Nếu bỏ ra 100 triệu đồng/năm, so sánh hiệu quả kinh tế với số tiền vốn mình bỏ ra chăn nuôi heo, gà hoặc bò ở nông thôn thì con bồ câu sẽ thu lãi gấp 4 lần gà, heo, bò”, anh Chiến cho biết.
|
Dù số lượng đàn lớn, nhưng diện tích đất làm trại nuôi của anh chỉ khoảng hơn 1000 m2, các chuồng nuôi nhốt đều được xếp 3 tầng, xếp thành những hàng dài. Nước uống cho chim cũng được "tự động hóa", mỗi ngày chỉ cần cho chim ăn 2 lần; 1 tháng vệ sinh chuồng trại/lần. Cùng với đó là công tác tiêu độc, khử trùng, khử mùi hôi…
Đến thu nhập "khủng" vài trăm triệu đồng mỗi tháng
“Mỗi ngày 1 cặp chim bồ câu tốn khoảng 1.000 đồng tiền thức ăn. Một tháng như vậy là 30.000 đồng/cặp. Hiện mỗi cặp chim giống bán ra là 100.000 đồng/cặp, trừ hết mọi chi phí mỗi tháng lợi nhuận mang lại khoảng 50.000 đồng đến 60.000 đồng/cặp. Với trại 10.000 cặp chim bố mẹ, lợi nhuận mỗi tháng khoảng 500 triệu đồng sau khi trừ mọi chi phí”, anh Chiến tính toán.
|
Chị Lê Thị Phúc, thương lái thu mua chim bồ câu ngụ TX.Bình Long cho biết: “Đầu ra của chim bồ câu Pháp ổn định, mỗi lần nhập thì xuống tận nơi bắt, không thì một tuần anh Chiến sẽ chở lên một lần. Đầu ra mình bỏ nhà hàng, quán ăn, chợ, bỏ sỉ, các điểm quán, tiệc cưới… với số lượng khoảng 1.000 con/tuần”.
|
Đánh giá về mô hình nuôi bồ câu Pháp của gia đình anh Chiến, chị Đồng Thị Mùa Xuân, Chủ tịch Hội Nông dân xã Minh Long, H.Chơn Thành, chia sẻ: “ Mô hình này rất hiệu quả, kinh tế cao so với các mô hình khác ở địa phương hiện nay như nuôi gà hay heo. Lợi nhuận cao, nhân công ít. Thời gian tới mình sẽ mời các hộ nông dân có tâm huyết, nhu cầu và sẽ phối hợp gia đình anh Chiến dẫn đi tham quan để tuyên truyền rộng cho bà con để nhân rộng mô hình này”.
|
Ngoài sản phẩm bán chim con (chim ra ràng), trại chim của anh Chiến còn xuất bán các sản phẩm như chim bố mẹ, chim giống và chim hết tuổi sinh sản. Đầu ra của các sản phẩm hiện tại của trại cũng rất đa dạng, từ các chợ, chợ đầu mối trong tỉnh, trong khu vực Đông Nam bộ; các nhà hàng tiệc cưới... và sắp tới anh đang chuẩn bị liên kết với một số người tại Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh sản xuất bồ câu đông lạnh để xuất khẩu.
Với thu nhập "khủng" trên một diện tích không lớn, mô hình nuôi chim bồ câu Pháp có thể là một sự lựa chọn phù hợp đối với người dân có ít đất sản xuất, chăn nuôi trong thời gian tới.
Bình luận (0)