Quảng Ninh chủ động một tầm nhìn

07/06/2018 10:08 GMT+7

Tại kỳ họp thứ 4 cuối năm 2017, Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về Dự án luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt rồi tiếp đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo cơ quan chủ trì thẩm tra phối hợp chặt chẽ với cơ quan soạn thảo nghiên cứu, tiếp thu các ý kiến để chỉnh sửa trên tinh thần khẩn trương, phù hợp với chủ trương lớn của Đảng.

Tư tưởng chỉ đạo vấn đề quan trọng này đã được thể hiện trong Thông báo kết luận số 21-TB/TW ngày 22.3.2017 của Bộ Chính trị về các đề án xây dựng đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn (tỉnh Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) và Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang). Theo đó là việc cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp, luật Tổ chức chính quyền địa phương, luật đầu tư; đồng thời, xây dựng một mô hình phát triển mới với cơ chế, chính sách có tính đột phá để cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao sức cạnh tranh thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài, tạo động lực mới đẩy nhanh quá trình phát triển kinh tế.
Đi sau, điều hay và điều thiệt
Theo tôi, đất nước các bạn có mấy vùng miền thì cũng nên có từng đó đặc khu hành chính - kinh tế và có lẽ cũng không nên có quá 5 đặc khu
Tỉ phú Sheldon Adelson, Chủ tịch Tập đoàn Las Vegas Sands (Mỹ)
Mô hình đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt mà VN tham khảo để soạn luật được rút ra từ 13 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới sau khi Bộ Kế hoạch - Đầu tư tổ chức các nhóm chuyên gia đến nơi nghiên cứu. Chỉ xin lấy ví dụ tại một nước. Để có được những thành công vang dội như Đặc khu kinh tế (ĐKKT) Thâm Quyến, như Khu mới Phố Đông (Thượng Hải)..., đối với Trung Quốc (TQ) là cả một quá trình mạo hiểm chẳng khác gì việc "dò đá qua sông" và họ tự hào vì đã thành công quá sức tưởng tượng.
Chỉ trong giai đoạn đầu của Cải cách mở cửa (1981 - 1987), TQ đã phê duyệt 72 thành phố trở thành khu thí điểm cải cách đồng bộ, với mục tiêu đột phá thể chế cũ, tạo sự chuẩn bị cho sự ra đời của thể chế kinh tế mới. Trong giai đoạn 2, họ tiến hành thí điểm tiếp với 55 thành phố nữa. Đó chính là “vườn ươm” thể chế mà họ liên tục điều chỉnh cho phù hợp và có hiệu quả. Bắt đầu ở giai đoạn thứ 3 (từ 2005), đã lộ rõ mô hình Khu mới Phố Đông Thượng Hải trở thành khu thí điểm cải cách đồng bộ quốc gia. Từ đó, họ tìm ra một mô hình hoặc hướng đi mới có thể thúc đẩy kinh tế trên nước TQ ở bình diện rộng lớn. Năm 2013, TQ lại tiếp tục xây dựng mô hình Khu tự do thương mại tại Thượng Hải và cũng đã có những thành công bước đầu. Năm 2015, Chính phủ TQ chính thức phê duyệt thành lập 3 khu tự do thương mại tại Quảng Đông, Phúc Kiến và Thiên Tân. Năm 2016, TQ tiếp tục nhân rộng 7 khu thí điểm khác nữa như Liêu Ninh, Chiết Giang... Nó đánh đấu "làn sóng thứ hai" của công cuộc Cải cách mở cửa mới.
Có ý kiến cho rằng mô hình đặc khu kinh tế kiểu TQ từng làm, tuy rất hiệu quả nhưng đó là ở vào những thập niên 1980 - 1990 cho đến đầu thế kỷ 21, nay không còn hấp dẫn nữa. Thực ra, TQ vào tháng 4.2017 vừa rồi vẫn tiếp tục có thêm quy hoạch Khu mới Hùng An, tỉnh Hà Bắc xem nó như một mô hình mới quan trọng. Cho nên, mỗi mô hình đều mang ý nghĩa lịch sử, kinh tế - xã hội của mình trong kế thừa và phát triển.
Chúng ta đi sau thì lợi thế là có điều kiện học họ cái hay cũng như tránh được cái không hay mà họ đi trước đã vấp phải. Song về một góc độ khác, ai đi sau cũng lại có cái khó riêng. Đó chính là việc phải làm thế nào đó để vẫn khiến cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước thấy được sự hấp dẫn của “cô gái” mang tên Vân Đồn, một “người đẹp ngủ trong rừng”, chẳng hạn. Qua đó, các nội dung, cơ chế, chính sách ưu đãi về kinh tế - xã hội phải được quy định trong luật và bảo đảm tính vượt trội, đủ sức cạnh tranh với khu vực và quốc tế...
Chuyện tỉ phú Mỹ đến Vân Đồn
Tỉnh Quảng Ninh ngay từ năm 2012 đã nhận thức rằng tỉnh mình vốn có tiềm năng rất lớn về nhiều lĩnh vực nhưng chậm phát triển là có phần do cơ chế, chính sách chung còn hạn hẹp. Vì vậy, lãnh đạo địa phương đã chủ động tính đến việc hình thành đề án phát triển kinh tế theo mô hình đặc khu hành chính kinh tế mà trước đây Đảng ta đã đề cập. Mà với Quảng Ninh thì không nơi nào khác hấp dẫn hơn huyện đảo Vân Đồn. Lãnh đạo tỉnh sau khi cân nhắc đã cử người có trách nhiệm sang tiếp cận Chủ tịch Tập đoàn Las Vegas Sands, tỉ phú Sheldon Adelson.
Năm 2013, ông tỉ phú đã nhận lời sang VN và ra thăm vịnh Hạ Long, Bái Tử Long, thăm Vân Đồn bằng một chuyến bay trực thăng. Sau đó, tập thể lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh đã tiếp ông Sheldon Adelson. Ý định của tỉnh là muốn giới thiệu với Tập đoàn Las Vegas Sands về dự án xây dựng một khu kinh tế đặc biệt Vân Đồn trong tương lai. Những câu hỏi rất "đinh" của ông ta đưa ra thật khó giải đáp vì đã vượt tầm của địa phương. Ví dụ như: “Bao giờ VN có luật Đặc khu hành chính - kinh tế để chúng tôi có thể yên tâm vào đầu tư?”; “Ngoài Vân Đồn thì dự kiến luật này sẽ cho ra đời mấy đặc khu kinh tế như thế nữa? Theo tôi, đất nước các bạn có mấy vùng miền thì cũng nên có từng đó đặc khu hành chính - kinh tế và có lẽ cũng không nên có quá 5 đặc khu. Là nhà đầu tư, tôi không muốn đi nhiều cửa vì bản thân tôi đã sang VN 3 lần thì cứ đến mỗi nơi, tôi lại thấy họ nói một khác”; “Bao giờ thì đảo Vân Đồn có sân bay? Bao giờ có hạ tầng đồng bộ như cảng biển, đường cao tốc? Bao giờ có điện lưới quốc gia, có nước ngọt đủ phát triển kinh tế và dân sinh?”. “Ngoài cơ sở hạ tầng cứng sẽ được đảm bảo thì phần hạ tầng mềm như nguồn nhân lực chất lượng cao, như công nghệ viễn thông có đủ đảm bảo cho hoạt động của các nhà đầu tư không?”.
Phó chủ tịch tỉnh Quảng Ninh Nguyễn Văn Thành cho biết, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND, HĐND tỉnh trong nhiều năm trước đó và cả gần đây đã chủ trì rất nhiều hội nghị, hội thảo hoặc tham gia trình bày hoặc gặp gỡ báo cáo chi tiết đầy đủ với lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các ủy ban của Quốc hội cùng các cơ quan có liên quan để có thể nhận được sự ủng hộ. Qua đó, sự đồng thuận cao không chỉ đối với một đặc khu kinh tế như Vân Đồn mà còn có gợi ý chung nên bổ sung để mỗi miền có một đơn vị tương tự...
(còn tiếp)
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.