Theo đó, quỹ này không còn nắm giữ cổ phiếu nào của Vinasun. Cụ thể, GIC đã bán ra toàn bộ 5,4 triệu cổ phiếu VNS, tương ứng chiếm 7,96% vốn của công ty Vinasun vào ngày 25.5 và hiện không còn sở hữu cổ phiếu nào.
Trước đó, GIC đã trở thành cổ đông lớn tại Vinasun từ tháng 8.2014 sau khi mua vào 4,5 triệu cổ phiếu VNS. Với giá mua số cổ phiếu này khoảng 45.000 đồng, GIC đã bỏ ra hơn 200 tỉ đồng. Dù lượng cổ phiếu được gia tăng (bao gồm cổ phiếu được trả cổ tức, chia thưởng…) sau gần 3 năm ở mức 5,4 triệu đơn vị nhưng giá bán thỏa thuận chỉ ở mức 14.700 đồng, tổng số tiền GIC thu về được chỉ khoảng 80 tỉ đồng.
Như vậy quỹ đầu tư ngoại này đã ngậm ngùi cắt lỗ hơn 120 tỉ đồng. Cổ phiếu Vinasun đã giảm liên tục và hiện đứng ở giá 13.800 đồng. Nguyên nhân do lợi nhuận liên tục đi xuống mà theo ban lãnh đạo công ty, các công ty nước ngoài như Uber, Grab đã cạnh tranh bằng giá thấp nhằm xâm chiếm thị phần đã gây tác động lớn đến công ty. Chính vì vậy, Vinasun đặt mục tiêu tổng doanh thu năm 2018 chỉ đạt 2.000 tỉ đồng, giảm 937 tỉ đồng so với tổng doanh thu thực hiện cả năm qua. Tương tự, tổng lợi nhuận trước thuế năm 2018 dự kiến chỉ đạt 119 tỉ đồng, giảm còn chưa tới 50% so với con số đạt được của năm qua là gần 245 tỉ đồng.
Bình luận (0)