Chiều nay, 22.3, tại Hà Nội, Bộ NN - PTNT đã tổ chức hội nghị về giải pháp giải thể các hợp tác xã nông nghiệp kém hiệu quả đã ngừng hoạt động.
Theo thống kê của Bộ, đến năm 2017, cả nước có 11.688 hợp tác xã nông nghiệp và 30 liên hợp tác xã. Trong đó, 3.881 hợp tác xã nông nghiệp được thành lập mới; 6.650 hợp tác xã nông nghiệp đăng ký lại theo luật Hợp tác xã năm 2012.
Doanh thu bình quân của hợp tác xã nông nghiệp 980 triệu đồng/năm, đối với liên hợp tác xã là 1,5 tỉ đồng/năm. Cá biệt có nhiều hợp tác xã có phạm vi hoạt động rộng ở nhiều tỉnh, có doanh thu hàng trăm tỉ mỗi năm, như Hợp tác xã Hoa Anh Đào (tỉnh Lâm Đồng); Hợp tác xã bò sữa Tân Thông Hội (TP.HCM); Hợp tác xã Evergrowth (Sóc Trăng)…
Tuy nhiên, cả nước vẫn còn 795 hợp tác xã nông nghiệp hoạt động yếu kém, hiện đã ngừng hoạt động nhưng chưa giải thể được do những vướng mắc về xử lý tài sản, công nợ, bộ máy nhân sự có vi phạm nhưng chưa được xử lý theo quy định…
Theo luật Hợp tác xã năm 2012, các hợp tác xã trên phải giải thể theo hình thức tự nguyện và bắt buộc, để thành lập mô hình hợp tác xã kiểu mới. Nhưng theo ông Ma Quang Trung, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác (Bộ NN-PTNT), đến thời điểm hiện tại, các hợp tác xã này không còn lựa chọn tự nguyện giải thể, mà phải chuyển theo hình thức bắt buộc phải giải thể.
Ông Trung lý giải thêm, hợp tác xã kiểu cũ đã không còn phù hợp với phương thức sản xuất mới, nếu không giải thể để thành lập lại, thì người dân có ấn tượng xấu, không muốn tham gia mô hình này. Đặc biệt, theo ông Trung, trong khâu xử lý tài sản, nếu các địa phương không xử lý nghiêm túc, thì vốn, tài sản nhà nước trong hợp tác xã rất dễ bị thất thoát, hoặc bị chiếm dụng.
“Cơ chế xử lý các vướng mắc đã có, Luật đã ban hành 2 năm nay rồi, nhưng tiến độ tổ chức lại mô hình hợp tác xã còn chậm. Theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ NN - PTNT, từ nay đến cuối năm, các địa phương phải hoàn thành giải thể toàn bộ hợp tác xã nông nghiệp yếu kém, đã không còn hoạt động”, Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác nhấn mạnh.
Theo thống kê của Bộ NN - PTNT, 35 địa phương vẫn còn số lượng lớn các hợp tác xã chưa được giải thể, dẫn đầu là Bắc Giang với 115 hợp tác xã. Con số này ở Hà Nội là 53; Hải Phòng là 49; Lào Cai 44; Vĩnh Phúc 37; Đắk Lắk 49; Bình Phước 40; Cần Thơ 30 hợp tác xã.
|
Bình luận (0)