Rau, củ, quả mất an toàn dễ 'lọt lưới'

19/01/2019 08:28 GMT+7

Khuya 17.1, PGS-TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) TP.HCM, cùng đoàn công tác đi thị sát công tác quản lý ATTP tại chợ đầu mối nông sản Thủ Đức.

Theo bà Lan, đây là chợ đầu mối nông sản lớn nhất TP. Về lý thuyết, khi tập trung hàng hóa số lượng lớn sẽ dễ quản lý hơn nhưng nguy cơ về mất ATTP cũng rập rình, đặc biệt là việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) và phân bón bừa bãi cho hoa quả.

Hơn 900 kg thịt heo không rõ nguồn gốc vào chợ đầu mối Bình Điền

Lúc 4 giờ ngày 18.1, Đội 10 (Đội thanh tra ATTP, thuộc Ban Quản lý ATTP TP.HCM tại chợ đầu mối Bình Điền, H.Bình Chánh) phát hiện xe tải BS 51C-303.22 vào chợ, chở 912 kg thịt heo đã giết mổ không rõ nguồn gốc, không dấu kiểm soát giết mổ, trong đó chân heo bị chặt rời, còn móng thì bong tróc. Đội 10 đã lập biên bản tịch thu tiêu hủy ngay và đề xuất xử phạt chủ lô hàng hơn 29,2 triệu đồng.
Bà Lan cho biết, Ban tăng cường lấy mẫu để kiểm soát nguy cơ. Khi kiểm nghiệm hàng hóa có tồn dư thuốc BVTV thì có thể truy ngược để phong tỏa lô hàng cũng như xử lý. Theo bà Lan, nếu chỉ mình cơ quan quản lý nhà nước kiểm nghiệm tồn dư thuốc BVTV, các hóa chất là như muối bỏ bể vì lượng rau củ quả nhiều, chi phí thì có hạn mà kiểm nghiệm thì đắt tiền (trung bình 3 triệu đồng/mẫu). Với rau củ quả kiểm nghiệm rất phức tạp, mỗi loại rau lại có loại hóa chất, thuốc BVTV sử dụng riêng, trong khi các test nhanh không được trang bị nhiều như test kiểm thịt cá. Thời gian lấy mẫu kiểm nghiệm cũng mất nhiều ngày.
“Chúng ta nên học mô hình quản lý của siêu thị, họ có hệ thống quản lý chất lượng, tự lấy mẫu hằng đêm để kiểm nghiệm, đánh giá nguy cơ và có thể ngưng nhập hàng ngay lập tức. Đó là các tiểu thương thấy được trách nhiệm và có kế hoạch lấy mẫu đi kiểm nghiệm để xem sản phẩm có an toàn hay không. Nếu chỉ trông chờ vào nguồn gốc giấy tờ, sự tin tưởng của các bạn hàng thì đôi khi nếu hàng hóa không đảm bảo trà trộn vào thì chúng ta trở tay không kịp”, bà Lan nói và cho rằng biện pháp nữa là phải làm sao cho người dân nuôi trồng cho sạch và an toàn. Tiểu thương nên mua hàng ở những bạn hàng uy tín. Tết sắp đến, lượng hàng đổ về chợ gấp 2 - 3 lần, người dân nên mua sớm, đừng dồn vào mua một lúc dễ dẫn đến quá tải và “lọt lưới” thực phẩm mất an toàn, bà Lan nói.

Những mặt hàng có nguy cơ sử dụng hóa chất

Báo cáo với đoàn công tác, ông Nguyễn Nhu, Phó giám đốc Công ty cổ phần quản lý và kinh doanh nông sản chợ Thủ Đức (quản lý chợ đầu mối nông sản Thủ Đức), cho biết năm 2018 tổng lượng hàng hóa nhập vào chợ là hơn 1,33 triệu tấn, giảm 48.677 tấn so với năm 2017, trong đó lượng rau là trên 646.000 tấn, trái cây trên 688.000 tấn. Lượng rau quả của Trung Quốc vào chợ chiếm 15%, trái cây Trung Quốc có khu vực riêng để dễ kiểm tra, kiểm soát.
“Qua công tác kiểm tra đã lập 120 biên bản nhắc nhở các trường hợp vi phạm không khám sức khỏe, không tập huấn kiến thức ATTP, kinh doanh không đóng gói hàng hóa vào bao bì; chế biến, xay sả, hành, ớt, tỏi tại ô vựa không đảm bảo ATTP”, ông Nhu nói và cho biết thêm, nhiều mặt hàng có nguy cơ sử dụng hóa chất cao như: măng chua, cải chua, măng luộc, chanh, bắp chuối, rau muống bào, củ cải trắng, hành tỏi, ớt, sả xay. “Hiện nay có hiện tượng nhúng chanh vào xà phòng để biến chanh sần sùi, không bóng thành bóng láng, bắt mắt. Những trường hợp này chúng tôi thấy là mời người kinh doanh lên cam kết không tái phạm hoặc chuyển Ban Quản lý ATTP TP.HCM xử lý”, ông Nhu cho biết thêm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.