Sáng nay 15.5, tại Hà Nội, Bộ NN-PTNT tổ chức hội nghị định hướng công tác bảo vệ thực vật trong tình hình mới, với sự chủ trì của Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Nguyễn Xuân Cường.
Chia sẻ tại hội nghị, ông Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT), cho biết thị trường phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang có sự mất cân đối nghiêm trọng. Trong số 4.000 sản phẩm thuốc bảo vật thực vật, chỉ có 19% là thuốc sinh học, còn lại là thuốc hoá học. Trong cơ cấu cây trồng cũng có sự mất cân đối khi có 3.800 loại thuốc tập trung cho cây lúa, chỉ có 200 sản phẩm cho các cây trồng khác. Với thị trường phân bón, phân vô cơ chiếm trên 90% và phân bón hữu cơ được sử dụng chỉ khoảng trên 1 triệu tấn, chiếm tỉ lệ chưa đến 10%.
Cũng theo ông Hoàng Trung, mục tiêu đến năm 2021 sẽ nâng tỉ lệ sử dụng phân bón hữu cơ lên 3 triệu tấn (khoảng 30%) và nâng tỉ lệ sản xuất, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hoá học lên 30%.
Cũng tại hội nghị, ông Hoàng Trung cũng kiến nghị Bộ NN-PTNT vận động xã hội hoá, Chính phủ có dự án ưu tiên đầu tư nâng cấp, xây dựng các phòng thử nghiệm kiểm chứng, đóng vai trò làm phòng thử nghiệm trọng tài trong lĩnh vực phân bón và bảo vệ thực vật, để kiểm soát chặt chẽ chất lượng các sản phẩm này, ngăn chặn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng.
Đáng chú ý, theo thống kê của Bộ NN-PTNT, qua rà soát trên cả nước, hiện có 735 cơ sở sản xuất phân bón với tổng công suất 29,5 triệu tấn/năm, nhưng nhu cầu thực tế chỉ khoảng 11,5 triệu tấn phân bón các loại. Theo đó, phân bón được sản xuất dư thừa gấp 3 lần với nhu cầu sử dụng.
Cũng theo thông tin từ Bộ NN-PTNT, ở cấp T.Ư đã hoàn thành tiếp nhận bàn giao nhiệm vụ quản lý nhà nước về phân bón vô cơ từ Bộ Công thương. Ở địa phương, Sở NN-PTNT đã hoàn tất việc tiếp nhận bàn giao từ Sở Công thương để đồng loạt triển khai thực hiện công tác quản lý phân bón theo quy định một cách thống nhất. Cho đến hết năm 2019, Bộ NN-PTNT sẽ hoàn thiện chính sách, quy định pháp luật trong lĩnh vực quản lý phân bón.
Bình luận