Chính phủ thông qua đề nghị xây dựng Nghị định của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát hoạt động công nghệ tài chính (Fintech) trong lĩnh vực ngân hàng. Đồng thời, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp thu đầy đủ ý kiến của các thành viên Chính phủ trong quá xây dựng Nghị định, bảo đảm theo đúng quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và các văn bản pháp luật có liên quan, trình Chính phủ trong quý IV năm 2021.
Lĩnh vực Fintech được tham gia thử nghiệm gồm thanh toán, tín dụng, cho vay ngang hàng (P2P Lending), hỗ trợ định danh khách hàng, giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API), các giải pháp ứng dụng công nghệ đổi mới sáng tạo (như Blockchain…), các dịch vụ hỗ trợ hoạt động ngân hàng (như chấm điểm tín dụng, tiết kiệm, huy động vốn…).
Số lượng các công ty cung ứng giải pháp Fintech hoạt động hiện nay trên thị trường khá đông, trên 150 công ty do đó sẽ có quy định tiêu chí xét duyệt và chấp thuận của các tổ chức khi tham gia vào cơ chế thử nghiệm Fintech, trong đó tập trung một số tiêu chí chính như sự thiếu hụt của quy định pháp lý hiện hành, sự đổi mới sáng tạo, sự an toàn, hiệu quả và ổn định…Việc thử nghiệm sẽ từ 1-2 năm tuỳ từng giải pháp và lĩnh vực cụ thể.
Trong quá trình thử nghiệm, cơ quan quản lý nhà nước theo dõi chặt chẽ đối với tất cả rủi ro phát sinh, đánh giá rủi ro, tác động của nó cũng như khả năng thất bại và thành công của giải pháp. Từ đó cơ quan quản lý triển khai phương án phù hợp bao gồm chấm dứt ngay hoạt động thử nghiệm, điều chỉnh hoặ không cho triển khai sau thời gian thử nghiệm. Sau quá trình thử nghiệm, sẽ có đánh giá giải pháp hiệu quả, có tác động tích cực đến sự đổi mới sáng tạo và phát triển của hệ thống tài chính ngân hàng, kiểm soát tốt rủi ro… sẽ được xem xét cho triển khai chính thức.
Bình luận (0)